Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

NGẪM VỀ NHÂN-QUẢ


Gieo nhân nào, gặt quả nấy. Ông bà ta đã dạy như vậy. Còn triết học thì cũng có cặp phạm trù nhân-quả ( mà phàm ai là cán bộ, đảng viên cỡ cấp trưởng, phó phòng trở lên ít nhất là đã được trang bị trình độ lý luận trung cấp chính trị, lãnh đạo cao hơn một tí bắt buộc phải có cao cấp chính trị trở lên). Các sinh viên cũng phải mất hơn một năm để học các môn đại cương, trong đó có chính trị, triết học Mác_Lê.
Nói như vậy để thấy cán bộ (trong đó bao gồm cả các y, bác sĩ được đào tại các trường VN) ai cũng được học qua quy luật nhân - quả, rất biện chứng.
Vậy mà những người đang sống trong xã hội hôm nay dường như đang chứng kiến xã hội ngày nay trở nên đình đốn về đạo đức, con người trở nên độc ác hơn, tội phạm trẻ hóa hơn; những người tưởng như là THIỆN hơn ai hết thì không ít người lại lãnh cảm, thờ ơ, dối trá, lừa lọc và khi cần thì cũng dã man không kém những kẻ ít học, không có điều kiện sống tử tế. Qua các vụ gần đây như nhân bản phiếu xét nghiệm, thay nhãn cầu, khai tử trẻ sơ sinh khi còn khả năng cứu sống, tắc trách để sản phụ chết cả mẹ lẫn con...Và mới nhất là làm chết bệnh nhân rồi vác xác quăng xuống sông. Có phải là trước đó chúng ta đã nương nhẹ cho những tiêu cực kéo dài và riết rồi tiêu cực trở thành cái nghiễm nhiên, phổ biến và nay thì gặt hái những quả đắng?
Đó là lĩnh vực y học và vấn đề y đức. Ngoài ra phải kể đến cán bộ các cơ quan, doanh nghiệp Nhà Nước thì thi nhau đục khoét, bòn rút tài sản, tiền công để làm giàu cho mình bằng mọi giá, chẳng ngó ngàng gì đến hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm người lao động ở các DN còn vất vả, khó khăn; hàng chục triệu nông dân còn khổ nhọc khi vắt kiệt sức lao động để làm ra hạt lúa, hạt tiêu, hạt cà phê; con cá, con tôm...cho xã hội.
Cuộc sống thăng hạng quá nhanh, quá ào ạt cho những người nắm chính sách, biết tận dụng quyền uy và cơ hội. Nó đã biến nhiều cán bộ, nhiều thành viên trong các nhóm lợi ích, nhiều lãnh đạo DNNN trở thành đại gia, đại đại gia với mớ tài sản kếch sù mà có khi nông dân, công nhân ở một huyện, một tỉnh tích cóp cả đời dồn lại cũng không bằng con số lẻ của họ. Họ đang nhởn nhơ hưởng thụ trên thành quả "ăn cắp" và bỏ mặc khổ chủ-nhân dân đang lao đao vì niềm tin ngày càng tuột dốc, xã hội suy đồi. Chắc chắn một căn hộ cao cấp ở Hà Nội của ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải VN, là niềm mơ ước cả đời của hàng ngàn lao động của Vinalines.
Có gieo sẽ có gặt. Gieo gì gặt nấy là lẽ tất nhiên. Nhưng đau xót nhất là những mầm xấu đã và đang gieo trên cánh đồng không phải là do những nông dân, công nhân và lớp trẻ gây ra nhưng chính họ - những người dễ bị tổn thương và thực tế bị tổn thương nhiều nhất- đang phải gánh hệ quả.

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Bài phát biểu đặc biệt tại ĐH Princeton
Cập nhật: 06:00 | 09/06/2013
Ben S. Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã có bài phát biểu ấn tượng tại lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Princeton (Princeton, New Jersey, Mỹ) ngày 2/6/2013.
Ben S. Bernanke, FED, phát biểu, ĐH Princeton, sinh viên, ý nghĩa
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Ben S. Bernanke phát biểu tại ĐH Princeton
4. Ai là người đáng khâm phục? Người đáng khâm phục là người sử dụng tốt nhất những điểm mạnh của mình, hay nói cách khác, họ là những người dũng cảm nhất trong việc đối mặt với nghịch cảnh. Tôi cho rằng phần lớn chúng ta đều đồng ý, những người ít được học hành chính quy nhưng lao động trung thực và siêng năng để chăm lo cho gia đình mình là những người đáng được tôn trọng và đáng được giúp đỡ hơn những người khác, thành công hơn nhưng dễ dàng hơn. Uống bia với họ có lẽ cũng vui hơn. Đó là tất cả những gì tôi biết về xã hội học.
5. Lợi ích, tiền bạc và hệ tư tưởng – tất cả đều quan trọng khi bạn học về khoa học chính trị. Nhưng kinh nghiệm của tôi là hầu hết chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách đều đang cố gắng làm những điều đúng đắn theo quan điểm và lương tâm của họ. Nếu bạn cho rằng những hậu quả xấu và khác biệt bắt nguồn từ Washington là do những động cơ và ý định xấu thì bạn đang đặt quá nhiều niềm tin vào khả năng làm việc hiệu quả của họ. Những hậu quả xấu là do họ giải quyết không tốt những vấn đề phức tạp và nan giải, nhiều hơn là do có động cơ xấu. Sức mạnh lớn nhất ở Washington là những kế hoạch và người ta chuẩn bị hành động dựa trên những kế hoạch. Dịch vụ công không phải là một lĩnh vực dễ dàng. Nhưng nếu bạn đang có ý định đi theo con đường này thì nó là hướng đi đầy thách thức và đáng cân nhắc.
6. Tôi đã nói về khoa học chính trị và xã hội, giờ cho phép tôi nói về kinh tế. Kinh tế là một lĩnh vực tư duy rất phức tạp, là thứ mà người ta có thể dùng để giải thích chính xác cho các nhà hoạch định chính sách tại sao những lựa chọn của họ trong quá khứ là sai lầm, còn những lựa chọn trong tương lai thì không nhiều lắm. Tuy nhiên, những phân tích kinh tế cẩn thận đều mang lại một lợi ích quan trọng. Nó có thể giúp tiêu diệt những kế hoạch hoàn toàn thiếu nhất quán về mặt logic hoặc không phù hợp với dữ liệu. Những kế hoạch này chiếm ít nhất 90% các chính sách kinh tế được đề xuất.
7. Tôi sẽ không nói với các bạn rằng tiền không quan trọng, bởi vì dẫu sao các bạn cũng sẽ chẳng tin tôi. Thực tế, đối với nhiều người trên thế giới, tiền là vấn đề sống còn. Nhưng nếu bạn là một trong số những người may mắn có khả năng chọn lựa, hãy nhớ rằng tiền là một phương tiện, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng. Một quyết định nghề nghiệp chỉ dựa trên tiền bạc mà không hề có tình yêu công việc hay mong muốn tạo ra sự khác biệt chỉ là mầm mống cho sự bất hạnh.
8. Không ai muốn thất bại nhưng thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống và của quá trình học tập. Nếu bộ đồng phục của bạn chưa bẩn nghĩa là bạn chưa tham gia trò chơi.
9. Trước đây tôi từng nói tới định nghĩa về sự thành công trong một thế giới đầy biến động. Tôi hi vọng rằng khi các bạn phát triển định nghĩa thành công của riêng mình, các bạn sẽ làm điều đó, nếu muốn, cùng với người bạn đồng hành của mình. Khi lựa chọn bạn đồng hành, hãy nhớ rằng vẻ đẹp thể chất chỉ là cách để tạo hóa đảm bảo rằng người kia không có quá nhiều ký sinh trùng đường ruột. Đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi hoàn toàn không có ý phủ nhận tầm quan trọng của sắc đẹp, sự lãng mạn và những hấp dẫn tình dục. Hollywood và đại lộ thời trang Madison sẽ là gì nếu thiếu những thứ đó? Nhưng dù vậy, đó cũng không phải là những thứ duy nhất mà bạn nên tìm kiếm ở một người bạn đời. Hai bạn sẽ phải cùng nhau đi một quãng đường dài, các bạn sẽ cần tới sự ủng hộ và đồng cảm của người kia nhiều hơn bạn nghĩ. Nói như một người đã sống hạnh phúc 35 năm bên bạn đời của mình: “Tôi không thể tưởng tượng được trên đời có một sự lựa chọn nào có tính chất hệ quả hơn việc lựa chọn bạn đời”.
10. Hãy gọi điện thoại cho cha mẹ bạn dù chỉ một lần. Sẽ đến lúc bạn muốn những đứa con bận rộn và thành công của mình gọi cho bạn. Và hãy nhớ ai là người đã trả học phí cho bạn học ở Princeton.
Trên đây là những đề xuất nho nhỏ của tôi – những chia sẻ của một người cũng có những tình cảm tuyệt vời dành cho ngôi trường này, của một người cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho tương lai các bạn.
Xin chúc mừng, các tân cử nhân!
Nguyễn Thảo(Dịch từ Federal Reserve)

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Chut lang man cuoi cung...

Mình vừa mới trải qua đợt ôn thi để thi cao học. Ôi, cái sự học thấy sao cao thật là cao! Thầy dạy ôn tiêếg Anh nói : bà này giờ còn bon chen, không ở nhà lo cho chôồg, con mà còn lo đi thi cao học!?

ừ, thấy cũng "chốI" quá. Chẳng biết sống được bao lâu nữa đâu mà trưa nào cũng khăn gói lên đường, chạy xe máy khoảng 5km để ra bến xe bus, gởi xe máy rồi leo lên xe bus, đi 2 chặng để đếến trường Đại học KHXHNV, chiều 17h bướớra khỏi lớp, lại xuống 3 tầng với 6 lần cầu thang để ra ngoài, và lại đu đưa trên xe bus 2 chặng với khoảng 37km để về bến cuối. Về đến nhà tay chân rã rời, nằm vật ra là ngủ nhưng trưa mai, dù nắng hay mưa vẫn quyết tâm lên đường...

Thi rồi, học cho cố xác nhưng khi buông quyển sách ra là chẳng nhớgì, dườg như tuổi tác chống lại ý chí. Sự phân tâm trong lúc học cũng là một nhược điểm tuổi già...Vì vậy cứ nghĩ là ấ đã đọc được nhiều nhưng buông sách ra thấy mình đang để tâm trí ở đâu đâu...

Vô thi mình làm bài môn triết theo cách nhớ của mình, chứng minh bằng thực tiễn mà mình đã trải qua của cái quy luật " Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội". Anh văn cũng khá OK, thi Lý thuyết truyền thông cũng ổn. vậy mà kết quả thì môn Triết mình lại không đủ điểm!!!

tèn tèn tèn. Có lẽ khi mình đang viết về khoán trong nông nghiệp, từ khoán 100 đến khoán 10 rồi khoán hộ thì anh thầy chấm triết học chưa sinh ra, thế nên anh đâu biết những viện dẫn của mình về tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội...!

Thôi thì vĩnh biệt giấc mơ lãng mạn muốn vượt qua chính mình; còn học thì sẽ tiếp tục nghiền ngẫm ở trường đời vậy. Được bây nhiều hay bấy nhiêu. Tội nghiệp cho cái bộ nhớ hoang vu của mình...
8/2007
Đảo Hải tặc, một thời cách nay chưa xa lắm, khoảng 36-37 năm, là một nỗi khiếp sợ cho những ai có ý định vượt biên vì không ít người vượt biên đã bị bọn hải tặc Xiêm chặn tàu, cướp của cải và hiếp phụ nữ, quăng xác dân vượt biên xuống biển. Nó chẳng xa xôi nếu đi Hà Tiên, khoảng 30 phút tàu cao tốc là ra tới nhóm cụm đảo này. Thế nhưng có lẽ lúc đó tàu VN nhỏ bé, mã lực nhỏ nên không thể đi nhanh, đi xa, những người vượt biên từ các bến leo lên tàu và ngồi dưới hầm tàu rồi phó mặc cho số phận, bão táp mưa giông, không vũ khí để chống lại những bất trắc...
Vậy nên bọn hải tặc Thái đã vào tận lãnh hải VN và nấp bên sau những hòn đảo, thấy tàu VN đi qua là chúng bao vây cướp-hiếp-giết! Khốn khổ cho những thuyền nhân lúc bấy giờ...
Giờ đây ra đảo với lúc biển hơi động, ca-nô vượt lên sóng để đi, tàu giật đùng đùng, nhìn ra biển mênh mông mình mới thấu hiểu sự liều lĩnh và yếu đuối của những người vượt biên lúc đó. Nhìn mặt biển mênh mông với những ngọn sóng dập dờn, mình thầm nguyện cho những oan hồn đã bỏ mình nơi biển cả.

Rồi lại miên man nghĩ đến Trường Sa, Hoàng Sa, vùng lãnh hải thiêng liêng ấy với những con người hy sinh thầm lặng đang canh giữ đất trời, lãnh hải cho tổ quốc. Cả những ngư dân đang bám biển ngày đêm để mưu sinh, làm giàu cho tổ quốc bằng sản vật từ biển  và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của dân Việt. Tất cả họ thật anh hùng vì giữa mênh mông biển khơi, thời gian biển êm có lẽ không nhiều, còn khi biển  gầm gừ gào thét, nó có thể xô ngã hay xé toác những gì lướt trên mặt nó , làm đổ vỡ và phá hủy những gì mà cơn sóng giận dữ đi qua...
Cụm đảo Hải tặc giờ đây có đảo có người ở, có nơi còn hoang sơ ,  vẫn hiện hữu  giữa biển Hà Tiên muôn trùng , là nhân chứng cho một khúc quanh lịch sử của người dân xứ Việt và đang dang tay tiếp nhận những nhà đầu tư đến mở mang các dịch vụ phát triển, làm giàu cho Hà Tiên - Rạch Giá.
 BÀI HỌC TỪ NGƯỜI QUÉT RÁC

"Nếu không gặp được Allen - người quét rác 10 năm về trước có lẽ giờ này, tôi đang quay cuồng trong vòng quay vô tận của đồng tiền" Học là việc của cả đời. Ngày tốt nghiệp đại học tôi mới mới bắt đầu sự nghiệp học hành của chính mình - học từ cuộc sống. Biết bao người thầy sau này đã dạy cho tôi vô vàn kiến thức. Họ là các giáo sư, tiến sĩ, các chủ tịch, tổng giám đốc của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy nhiên tôi không thể nào quên được một người thầy đặc biệt của mình : Thầy Allen.

Hằng ngày từ ký túc xá trên phố Mountain - Sydney (Australia), tôi khoác ba lô đi học hay lên thư viện. Mỗi buổi sáng, tôi đều bắt gặp một anh công nhân vệ sinh thu dọn quanh khu nhà. Anh luôn tươi cười và kèm theo là lời chào rất thân thiện “Hello, how are you” (Chào bạn, bạn khỏe chứ?). Anh làm như vậy ngay khi gặp tôi.

Về phần mình tôi luôn lẳng lặng bước đi, khuôn mặt lạnh tanh và khó chịu. Trong đầu tôi lúc đó chỉ hiện lên một ý nghĩ duy nhất “Thằng cha này thấy sang bắt quàng làm họ. Hắn thấy tôi có chức vụ, có tiền bạc, có học thức nên muốn bắt quen đây. Hắn thì có khác gì mấy cô công nhân vệ sinh hay đi dọn rác trước cổng nhà mình ở phố Thái Hà, Hà Nội”.

Ngày tiếp theo, anh công nhân vệ sinh vẫn cười tươi, vẫn chào tôi hết sức niềm nở. Tôi vẫn khó chịu và đút hai tay vào túi quần đi thẳng.

Khuôn mặt vênh váo. Ngày thứ ba vẫn vậy, anh quét rác lại chào tôi rất vui vẻ, khuôn mặt và thân hình thể hiện sự thân thiện với tôi. Tuy nhiên, trong lần này, để cho xong chuyện tôi đã trả lời anh ta một cách miễn cưỡng: “I am fine, thank you. And you?” (Tôi khỏe, cám ơn anh. Thế còn anh?)

Tôi nói xong và chợt nhận thấy rằng mình đã cười. Tôi đã cười mà không biết, điều này không như trong kế hoạch ban đầu của một người coi thường anh công nhân dọn vệ sinh. Thú vị hơn tôi phát hiện ra khuôn mặt tươi tỉnh của chính mình, rằng hình như mình vui hơn, dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn, thư giãn hơn.

Vừa đi tôi vừa nghĩ về mình rồi lẩm bẩm: “Ta thật là ngu dốt”. Quả thật, từ trước đến nay, trong suốt bao nhiêu năm qua tôi đã có một suy nghĩ không đúng, rằng khi cười với ai đó tôi mang lại niềm vui cho họ.

Khi bắt tay ai tôi luôn nghĩ mình ban ơn cho họ. Khi gần gũi ai, tôi luôn nghĩ họ được lợi từ tôi. Và, tôi thấy mình thật sai lầm. Bởi, khi tôi cười với anh công nhân quét rác này người được lợi đầu tiên không phải là anh ta mà là chính tôi.

Và tôi chợt nhận ra rằng anh ta đâu có biết tôi là ai. Anh không hề biết tôi có bao nhiêu tiền, làm chức vụ gì, có học thức đến đâu. Trong mắt anh ta tôi từ ký túc xá bước ra tức tôi là sinh viên, là người đi học. Dù có học tiến sĩ, thạc sĩ hay đại học vẫn là người đi học, là sinh viên. Mà thậm chí anh cũng chẳng quan tâm tôi có là sinh viên hay không.
Trên thực tế tôi chỉ là một người châu Á da vàng, mũi tẹt. Nhưng anh ta cũng chẳng để ý đến chuyện ấy. Anh chỉ cười và chào tôi như đã và đang làm việc đó với tất cả những ai từ ký túc xá bước ra. Tất cả mọi người là bình đẳng. Tất cả chúng ta là con người. Tôi thấy xấu hổ và tôi đã nhận ra vấn đề. Tôi đã được học một bài quý giá. Từ đó đi đâu, gặp ai tôi cũng chào và cười. Không chỉ cười mà là cười rất tươi. Cười từ trái tim mình, từ đáy lòng mình.

Một bữa nọ khi từ thư viện về tôi phát hiện ra Allen - người quét rác đang ngồi uống cà phê trong quán. Anh ăn mặc rất lịch sự, vừa nhấm nháp ly café vừa đọc sách. Ngạc nhiên và tò mò, tôi lại gần làm quen, cùng uống café, cùng nghe nhạc với anh.

Tôi không ngờ rằng người mặc bộ quần áo bảo hộ, đi lau nhà, quét rác mỗi sáng bây giờ lại biến thành một người lịch lãm, trí tuệ thế này. Anh đọc sách say sưa và đọc khá nhanh. Bài học nữa tôi đã học được: Mỗi lúc chúng ta đang đảm nhận vai diễn nào đó, lúc đóng vai nào phải làm tốt vai đó. Hơn nữa, không nên coi thường người công nhân quét rác. Anh ấy cũng đọc sách, cũng nghe nhạc, cũng thưởng thức café và các món ăn.

Allen đã kể cho tôi nghe vanh vách về Kim Tự Tháp ở Ai Cập, về những gì còn sót lại từ vườn treo Babillon ở Iraq, về vùng đất lạnh và băng giá Siberie của nước Nga. Anh nói về thời kỳ La Mã, về chiến tranh Nam Bắc của nước Mỹ, về cuộc sống của người Eskimo. Đặc biệt anh nói về Việt Nam khi biết tôi là người Việt (Sau này anh kể rằng anh cứ ngỡ tôi là người Thái hay Indonesia).

Hóa ra Alen đam mê đi du lịch. Anh đi du lịch qua sách. Những hiểu biết của anh làm tôi kinh ngạc. Hóa ra anh rất hiểu biết và có trí nhớ và sự tưởng tượng tuyệt vời. Allen hỏi tôi khu vực Hạ Long có bao nhiêu hòn đảo? Khi đó, vì không biết, tôi đã nói đại rằng quãng 1.000 hòn.

Allen đã giảng giải về các hòn đảo, về địa lý, khí hậu, thảm thực vật và thủy sản cũng như tính chất vùng biển của 1.960 hòn đảo, (chứ không phải con số 1.000 như tôi nghĩ) trong vùng diện tích 1.553 km2 này. Nhờ Allen mà tôi, có lẽ, đến chết không quên được những con số này.
Allen đề nghị tôi phân tích về nhạc Việt Nam, nhất là vấn đề đặc biệt của loại nhạc 5 nốt này. Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ biết đến nhạc của đất nước mình lại chỉ có 5 nốt. Tôi luôn nghĩ nhạc gì thì nhạc, đã là nhạc thì phải là 7 nốt chứ.

Cuối cùng tôi đã phải há miệng ra nghe Allen nói về chèo, về cải lương, về chầu văn, và về các loại nhạc cụ của Việt Nam, đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên. Allen đã dạy cho tôi bài học quý giá về tính tìm tòi khám phá, rằng tôi phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn, quan sát và ghi nhớ nhiều hơn.

Chính từ bài học quý giá này mà ngay sau khi về Việt Nam tôi đã quyết định lái xe làm một chuyến xuyên Việt. Tôi cũng quyết đi tham quan toàn bộ đất nước mình, không bỏ sót tỉnh nào. Tôi chợt nhận ra rằng mình đã bỏ qua rất nhiều điều quan trọng, rằng tôi đã đi đến tận 39 quốc gia nhưng lại chẳng hiểu được nhiều thứ đang diễn ra ngay tại đất nước mình.

Ngày tôi đến thăm nhà của Allen, tôi lại học thêm được một bài học quý giá nữa. Allen có khoảng gần 1.000 cuốn sách. Là người học nhiều, đi nhiều, thường xuyên mua và đọc sách nhưng tủ sách của tôi cũng chỉ có quãng 300 cuốn. Còn Allen, một công nhân vệ sinh đã có một tủ sách quá vĩ đại. Anh đam mê sách và đã bỏ một khoản tiền lớn ra mua, trưng bày sách. Anh nói đã đọc hết những cuốn sách này. Thậm chí có những cuốn đọc đến 2-3 lần. Tôi nhớ khi đó tôi có mong muốn quỳ dưới chân anh xin nhận anh làm thầy.


Cũng tại những lần đến thăm anh, tôi đã được học cách nấu ăn. Làm sao nấu đơn giản, đủ chất, ngon miệng mà không quá cầu kỳ. Một tình bạn thân thiết đã nảy mầm giữa một doanh nhân với một anh quét rác. Chuyện này tôi không thể tưởng tượng được trước đó một vài năm.


Từ ngày gặp Allen tôi bỏ hẳn các tính xấu của mình: kiêu ngạo, soi mói, coi thường người khác. Tôi cũng trở nên điềm đạm hơn, nói nhỏ hơn, ít nóng tính hơn. Tôi cũng không còn “bệnh” nhìn hình dáng bên ngoài mà kết luận con người nữa.

Tôi luôn niềm nở và giúp đỡ mọi người. Tôi quyết định chọn sứ mệnh “sẻ chia” của mình từ ngày đó.
Cũng nhờ Allen và những người thầy khác sau này tôi đã hiểu và thực hành nguyên tắc “cho mà không đòi hỏi, cho mà không cần nhận”. Tôi cũng đã triển khai mỗi ngày, mỗi giờ cách sống “pay it forward” - đáp đền tiếp nối. Cũng từ ngày đó cuộc đời của tôi luôn hạnh phúc, bình an và chan chứa yêu thương.

Gần chục năm đã trôi qua. Bây giờ nghĩ lại, nếu không gặp được Allen, chắc tôi vẫn đang quay cuồng trong vòng quay vô tận của đồng tiền, không chút nghỉ ngơi, không dành thời gian để hiểu và sống hạnh phúc với những người xung quanh, trong đó có các bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm.

Tôi thật biết ơn thầy tôi, bạn tôi , Allen.

Nguyễn Mạnh Hùng

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013




Vấn nạn về việc Người lao động Trung quốc tại VN lấy vợ Việt và sinh con "ở rể" tại Việt Nam!

             Chưa có thống kê chính thức cho vấn đề này nhưng vừa qua dư luận đã gióng lên tiếng chuông về việc đang có quá nhiều Người lao động Trung quốc vào VN bằng con đường lao động cho các DN Trung quốc đầu tư tại VN, đa phần là vào các vùng sâu khai thác mỏ quặng, làm thủy điện...
            Số lao động này sang VN có xu hướng tìm ngay cô vợ Việt để lấy và sinh con đẻ cái. Như vậy VN sẽ cáng đáng thêm phần chi cho hạ tầng kinh tế xã hội phục vụ cho khu vực phát sinh của số lao động cơ học này. Và số phụ nữ Việt ở vùng sâu vùng xa, thiếu điều kiện để giao lưu học hỏi, thiếu thông tin nên không ít người "sa" ngay vào bẫy tình với mấy anh lao động made in China. Có lẽ khoảng 15 năm nữa chúng ta sẽ có một lớp công dân mang 2 dòng máu Việt-Trung ngay trong các cộng đồng xã, ấp ở VN. Còn ngay lúc này đây thì việc lao động TQ nhập cư đông quá cũng sẽ có một số làng Trung quốc tại VN!
             Chưa kể đến vấn đề an ninh quốc gia vì chiến lược bành trướng của Bắc Kinh, nhưng nghĩ về hiệu quả kinh tế thôi thì đã thấy ta thua thiệt quá. Tự dưng cha mẹ cô gái ấy đã nuôi nấng cô cho khôn lớn, giờ lại gả ngay cho một anh đến từ China, rất nghèo và khổ nữa - vì những người được đưa qua đây đều là thành phần nghèo khổ, thậm chí dư luận còn nêu ra là có cả những tù nhân được thả ra để đưa sang VN. Các anh TQ sang tận đất Việt, lấy vợ Việt và ở rể đất Việt mà chẳng tốn kém gì! Giả sử các cô gái nghèo ở miền Tây mong lấy chồng ngoại để đổi đời cho gia đình, cho bản thân, dù sau đó qua tới xứ người mới biết mình bị lừa, biết mình khổ đến phải tự tử thì ít ra khi họ sang VN để xem mắt, hỏi cưới vợ Việt thì họ cũng chịu bỏ ra một khoản tiền để cho dịch vụ, cho cưới hỏi...Còn đàng này thì các anh China quá nhẹ nhàng.
          Có lẽ các nhà báo bớt các tin về cướp, hiếp, giết mà nên đi sâu tìm hiểu vấn nạn này để viết, làm rõ hơn âm mưu bành trướng, Trung quốc hóa VN.