Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

Xã hội còn cần nhiều hơn thế nữa những phản biện của báo chí.


Một người nào đó đã đặt vấn đề như vậy trong lúcxã hội đang xôn xao vụ Vedan. Nhưng với những nguyên tắc thành văn và bất thành văn về quản lý báo chí như đã và đang làm đã làm triệt tiêu động lực nhạy cảm của báo chí. Hiện nay họ đang như những con chim sợ trúng đạn nên cứ co rúm lại và tìm những vụ việc vặt vãnh để nâng lên thành sự kiện làm thời sự cho tờ báo của mình.
Báo chí phải đi đến tận cùng cái ác, cái xấu, cái tiêu cực trong những mảng sáng, tối lẫn lộn của một nền kinh tế từ bao cấp chuyển sang thị trường và đang hội nhập với kinh tế quốc tế. Báo chí phát hiện cái tốt, cái mới, cái hay để xã hội phấn khích, học tập nhưng vai trò giám sát và phản ánh thực trạng xã hội, phản biện những vấn đề uẩn khúc, những điều chưa suôn sẻ...cũng là một nhiệm vụ quan trọng cần được cân bằng trong thông tin.
Nếu như nói niềm tin của người dân dựa trên sự minh bạch thì báo chí chính là kênh để nhà cầm quyền đưa ra những thông điệp, những chủ trương chính sách thể hiện sự minh bạch của Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Vedan là một sự thức tỉnh của công tác quản lý với cái tâm và cái tầm của các nhà lãnh đạo từ trung ương xuống địa phương.Phê phán, lên án Vedan trong lúc này là một việc quá dễ dàng vì họ đã như một tên trộm bị bắt trói gô lại giữa bàn dân thiên hạ, ai đi qua cũng có thể xỉa xói, đạp vào người từ đầu tới chân mà họ không thể chống đỡ!
Nhưng đâu phải chỉ có một mình Vedan gây nên tội nếu như cả một hệ thống chính sách pháp luật và những người quản lý cụ thể không buông lơi nhiệm vụ? Họ ở sờ sờ ngay trên đất nước VN, họ vẫn vận hành máy móc và sản xuất như vậy hơn chục năm qua; người dân đã kêu, nước đã chuyển màu và bốc mùi, quan chức cũng biết...Vậy đâu phải chỉ mình Vedan có lỗi?
Và từ đây nhìn lại tất cả những KCN trên khắp cả nước; những quy họach không gian luôn theo sau sự phát triển. các nhà máy mọc lên họat động cả thời gian dài thì KCN mới được phê duyệt thành lập; vài chục nhà máy đi vào họat động mới bắt đầu tính tới chuyện xây dựng nhà máy xử lý nước thải! (Trước đây có quy định lấp đầy 70% diện tích mới phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải!). Vì vậy đâu đâu cũng bốc mùi, đâu đâu có KCN là nơi đó giếng của dân bị váng đen không xài được! Lỗi này đâu phải do nhà đầu tư tạo nên?
Giờ đây là vấn nạn của nông nghiệp - nông dân - nông thôn với biết bao vấn đề đang đặt ra cho khu vực chiếm 70% dân số của đất nước. Từng quyết định của cấp lãnh đạo đều có thể ảnh hưởng tốt hay xấu đến ngay khu vực tam nông. Sân golf nên phát triển nữa hay thôi? Các nhà máy có nên cho gần sông? Có nên bứng dân cả một xã vùng lúa (như dự án Long Hưng - Long Thành -Đồng Nai) cho một dự án phát triển khu đô thị nghỉ dưỡng mới của nhà đầu tư?
ODA và những PMU là cả một sự lãng phí tiêu cực lớn mà ở đó chỉ những người có chức quyền mới có cơ hội. Nếu số vốn vay làm được 10km đường nhưng sự ăn chận, ăn cắp đã làm cho người dân chỉ được hưởng khỏang 5-6km đường nhưng nợ thì vẫn còng lưng trả đủ lãi mẹ và lãi con, đời này trả không hết thì đời sau trả!
Một xã hội chỉ mạnh lên khi thông tin làm đúng chức năng của nó. Và điều đó cũng chính là tạo dựng lòng tin, thúc đẩy trăm họ cùng hướng về tổ quốc. Ai sẽ giúp cho báo chí lấy lại phong độ, giúp họ có đủ bản lĩnh để thực hiện nhiệm vụ cao cả mà xã hội giao phó. Bởi khi báo chí có đủ mạnh, họ mới có khả năng không chỉ phản biện những vấn đề trong nước mà còn đủ khôn ngoan và bản lĩnh để phản biện những vấn đề quốc tế trong thời hội nhập.

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008

Nông dân thời @ Entry for April 16, 2008

Nông dân thời @ Entry for April 16, 2008

Một đồng nghiệp ở SGT đã viết về Nông dân thời @ với những thành tựu đáng nể. Này là những Trại chủ của những vườn cao su ở Bình Dương, Bình Phước nay đi đến vườn cao su bằng xe Camry 2., 3...Hay những nông dân nuôi tôm cá ở miền Tây lên thành phố sắm xe hơi rồi thuê tài xế chạy về nhà nhưng ngặt xe không qua được chiếc cầu đúc nho nhỏ thay cho cầu khỉ nên đành để xe giữa đường cho bà con khác ngắm...
Thật ra những câu chuyện làm giàu của nông dân bây giờ không thiếu. Họ là những người khôn ngoan, biết nắm thời cơ để tích tụ ruộng đất và khuyếch trương việc nhà nông theo hướng sản xuất quy mô lớn. Và dĩ nhiên cũng đã có những người trở thành tỷ phú với vốn liếng hàng chục tỷ đồng...
Nhưng tôi lại có một quay quắt khác. Đó là những số phận nông dân bị thu hồi đất cho phát triển công nghiệp, cho những dự án bất động sản khác. Họ sẽ ra sao sau khi xài đến đồng tiền ít ỏi cuối cùng về cái gọi là bồi thường giải toả. Thật ra trong số họ có những người chỉ biết làm nông, họ không biết kinh doanh buôn bán hay làm nghề gì khác. Dù khổ sở vất vả với đồng áng nhưng cả gia đình họ bao thế hệ vẫn sống nhờ vào đó, từ mồ hôi công sức của họ gắn với ruộng đồng.
Bây giờ bốc họ ra khỏi ruộng đồng, đưa họ vào một nơi gọi là tái định cư với khoảng 100m2 cho mỗi hộ, đi ra đi vô đụng nhà nhau, không thể nuôi được con heo, con gà để cải thiện cuộc sống; chẳng thể trồng được giàn bầu, giàn mướp cho rợp lối đi và bán lai rai cũng có đồng ra đồng vào. Trong nhà người nào còn trẻ, có sức khoẻ, có học ít nhất đến lớp 8, lớp 9 thì sẽ đi làm công nhân, người còn lại thì tự kiếm nghề để bươn chải. Thôi thì xe ôm là nghề dễ nhất đối với đàn ông trung niên, còn phụ nữ thì đi làm thuê, làm mướn...
Thời @ nên có nông dân biết đếm đô-la, đi xe hơi đời mới, ở nhà xây tiền tỷ, ruộng đất cả vài chục hecta...Thời @ cũng có những số phận đang dăm chiêu lo cho ngày mai, không biết mình sẽ ra sao, con cái mình thế nào khi họ không còn đất?
Cả một vấn đề rất lớn đặt ra cho xã hội vì có đến gần 70% số hộ vẫn sống ở nông thôn. Cả thế giới đang nhao nhác vì cuộc khủng hoảng lương thực đang cận kề. Không biết khi hoạch định chính sách phát triển, các nhà lãnh đạo có nghĩ đến vấn đề an ninh lương thực cho quốc gia mình (vì có nước đã nghĩ có tiền thì mua được lương thực, nhưng thực tế đang chứng minh không fải có tiền thì có thể có tất cả!). Phát triển các KCN hay những sân golf thì làm cho GDP tăng trưởng nhanh hơn, bộ mặt nhìn cũng sáng sủa, hiện đại hơn nhưng môi trường đang bị tàn phá nghiêm trọng cho công cuộc phát triển. Tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, chất thải công nghiệp thải vô tội vạ; những dòng sông đang chết vì nước thải; những tầng đất ngầm bị ô nhiễm do ngấm các loại hoá chất dùng chăm sóc các sân golg rộng hàng trăm hecta...
Thời @ nhiều nông dân còn nặng lòng vì miếng cơm manh áo; nhiều cộng đồng dân cư bị đe doạ vì ô nhiễm. Và nếu lâm vào đói ăn thì con người sẽ ra sao???

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2008

Nguoi tu te

Ta sắp phải xa M, một đứa M có cá tính, có triển vọng trong nghề nghiệp. M ra đi vì không chịu nổi sự thoá mạ của kẻ khác, đó là hành động dũng cảm của một người trẻ ứng xử với người cho là mình lớn hơn người khác về mọi thứ - nhưng thực chất lại nhỏ ở cái tầm nên trái tim cũng bé, lòng dạ hẹp hòi!
Cuộc ra đi của M như gáo nước lạnh dội vào những người hiểu biết, những người có lòng tự trọng. Còn với những người làm cho M và bao người khác nhức nhối, có lẽ họ chẳng thể hiểu được - và thực tế họ cũng chẳng muốn biết điều đó. Bởi họ luôn cho là họ mẫu mực, họ đúng!
Thôi thì cứ bước đi trên con đường không chỉ có hoa hồng và bánh mì, rồi tự mình sẽ tìm thấy những niềm vui mới lớớn lao hơn, ít sự mệt nhọc hơn, M ạ.