Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Số phận, định mệnh

Cuộc đời của mỗi người cứ nói định đoạt bởi số mệnh. Tại sao sinh ra với cha mẹ này mà ko phải cha mẹ kia. Tại sao kết hôn với người này mà ko phải người khác? Tại sao người này thành đạt, giàu có còn kẻ kia nghèo khổ, dạt bên lề xã hội? Tất cả dường như nghĩ rằng mọi sự định đoạt là của Tạo hóa. Ông bạn mình nói Tạo hóa chưa bao giờ công bằng với ông, với gia đình ông, với cha mẹ ông mặc dù tất cả đã nỗ lực, đã cố gắng rất nhiều. Bố mẹ ông nằm xuống khi vẫn chưa biết đến "hàng ngày dùng đủ"! Vợ con ông cũng quá khổ trong cái nghèo đeo bám từ đời này sang đời khác. Ông nói chẳng có gì vui, chẳng có gì tiếc trong cuộc sống này nhưng ông vẫn phải sống, phải cố để chia sẻ những vất vả với vợ con.
Có lẽ đó còn là chữ duyên, chữ nghiệp, nhân-quả và quan trọng là may mắn có mỉm cười với mỗi số phận không, Ông Bạn ạ.
Rất nhiều khi mình cũng nghĩ rằng đời có gì vui đâu mà cần sống cho thọ, cho lâu?
Sáng nay nghĩ về Ông bạn và tự kỷ thế.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

NGẪM VỀ NHÂN-QUẢ


Gieo nhân nào, gặt quả nấy. Ông bà ta đã dạy như vậy. Còn triết học thì cũng có cặp phạm trù nhân-quả ( mà phàm ai là cán bộ, đảng viên cỡ cấp trưởng, phó phòng trở lên ít nhất là đã được trang bị trình độ lý luận trung cấp chính trị, lãnh đạo cao hơn một tí bắt buộc phải có cao cấp chính trị trở lên). Các sinh viên cũng phải mất hơn một năm để học các môn đại cương, trong đó có chính trị, triết học Mác_Lê.
Nói như vậy để thấy cán bộ (trong đó bao gồm cả các y, bác sĩ được đào tại các trường VN) ai cũng được học qua quy luật nhân - quả, rất biện chứng.
Vậy mà những người đang sống trong xã hội hôm nay dường như đang chứng kiến xã hội ngày nay trở nên đình đốn về đạo đức, con người trở nên độc ác hơn, tội phạm trẻ hóa hơn; những người tưởng như là THIỆN hơn ai hết thì không ít người lại lãnh cảm, thờ ơ, dối trá, lừa lọc và khi cần thì cũng dã man không kém những kẻ ít học, không có điều kiện sống tử tế. Qua các vụ gần đây như nhân bản phiếu xét nghiệm, thay nhãn cầu, khai tử trẻ sơ sinh khi còn khả năng cứu sống, tắc trách để sản phụ chết cả mẹ lẫn con...Và mới nhất là làm chết bệnh nhân rồi vác xác quăng xuống sông. Có phải là trước đó chúng ta đã nương nhẹ cho những tiêu cực kéo dài và riết rồi tiêu cực trở thành cái nghiễm nhiên, phổ biến và nay thì gặt hái những quả đắng?
Đó là lĩnh vực y học và vấn đề y đức. Ngoài ra phải kể đến cán bộ các cơ quan, doanh nghiệp Nhà Nước thì thi nhau đục khoét, bòn rút tài sản, tiền công để làm giàu cho mình bằng mọi giá, chẳng ngó ngàng gì đến hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm người lao động ở các DN còn vất vả, khó khăn; hàng chục triệu nông dân còn khổ nhọc khi vắt kiệt sức lao động để làm ra hạt lúa, hạt tiêu, hạt cà phê; con cá, con tôm...cho xã hội.
Cuộc sống thăng hạng quá nhanh, quá ào ạt cho những người nắm chính sách, biết tận dụng quyền uy và cơ hội. Nó đã biến nhiều cán bộ, nhiều thành viên trong các nhóm lợi ích, nhiều lãnh đạo DNNN trở thành đại gia, đại đại gia với mớ tài sản kếch sù mà có khi nông dân, công nhân ở một huyện, một tỉnh tích cóp cả đời dồn lại cũng không bằng con số lẻ của họ. Họ đang nhởn nhơ hưởng thụ trên thành quả "ăn cắp" và bỏ mặc khổ chủ-nhân dân đang lao đao vì niềm tin ngày càng tuột dốc, xã hội suy đồi. Chắc chắn một căn hộ cao cấp ở Hà Nội của ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải VN, là niềm mơ ước cả đời của hàng ngàn lao động của Vinalines.
Có gieo sẽ có gặt. Gieo gì gặt nấy là lẽ tất nhiên. Nhưng đau xót nhất là những mầm xấu đã và đang gieo trên cánh đồng không phải là do những nông dân, công nhân và lớp trẻ gây ra nhưng chính họ - những người dễ bị tổn thương và thực tế bị tổn thương nhiều nhất- đang phải gánh hệ quả.

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Bài phát biểu đặc biệt tại ĐH Princeton
Cập nhật: 06:00 | 09/06/2013
Ben S. Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã có bài phát biểu ấn tượng tại lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Princeton (Princeton, New Jersey, Mỹ) ngày 2/6/2013.
Ben S. Bernanke, FED, phát biểu, ĐH Princeton, sinh viên, ý nghĩa
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Ben S. Bernanke phát biểu tại ĐH Princeton
4. Ai là người đáng khâm phục? Người đáng khâm phục là người sử dụng tốt nhất những điểm mạnh của mình, hay nói cách khác, họ là những người dũng cảm nhất trong việc đối mặt với nghịch cảnh. Tôi cho rằng phần lớn chúng ta đều đồng ý, những người ít được học hành chính quy nhưng lao động trung thực và siêng năng để chăm lo cho gia đình mình là những người đáng được tôn trọng và đáng được giúp đỡ hơn những người khác, thành công hơn nhưng dễ dàng hơn. Uống bia với họ có lẽ cũng vui hơn. Đó là tất cả những gì tôi biết về xã hội học.
5. Lợi ích, tiền bạc và hệ tư tưởng – tất cả đều quan trọng khi bạn học về khoa học chính trị. Nhưng kinh nghiệm của tôi là hầu hết chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách đều đang cố gắng làm những điều đúng đắn theo quan điểm và lương tâm của họ. Nếu bạn cho rằng những hậu quả xấu và khác biệt bắt nguồn từ Washington là do những động cơ và ý định xấu thì bạn đang đặt quá nhiều niềm tin vào khả năng làm việc hiệu quả của họ. Những hậu quả xấu là do họ giải quyết không tốt những vấn đề phức tạp và nan giải, nhiều hơn là do có động cơ xấu. Sức mạnh lớn nhất ở Washington là những kế hoạch và người ta chuẩn bị hành động dựa trên những kế hoạch. Dịch vụ công không phải là một lĩnh vực dễ dàng. Nhưng nếu bạn đang có ý định đi theo con đường này thì nó là hướng đi đầy thách thức và đáng cân nhắc.
6. Tôi đã nói về khoa học chính trị và xã hội, giờ cho phép tôi nói về kinh tế. Kinh tế là một lĩnh vực tư duy rất phức tạp, là thứ mà người ta có thể dùng để giải thích chính xác cho các nhà hoạch định chính sách tại sao những lựa chọn của họ trong quá khứ là sai lầm, còn những lựa chọn trong tương lai thì không nhiều lắm. Tuy nhiên, những phân tích kinh tế cẩn thận đều mang lại một lợi ích quan trọng. Nó có thể giúp tiêu diệt những kế hoạch hoàn toàn thiếu nhất quán về mặt logic hoặc không phù hợp với dữ liệu. Những kế hoạch này chiếm ít nhất 90% các chính sách kinh tế được đề xuất.
7. Tôi sẽ không nói với các bạn rằng tiền không quan trọng, bởi vì dẫu sao các bạn cũng sẽ chẳng tin tôi. Thực tế, đối với nhiều người trên thế giới, tiền là vấn đề sống còn. Nhưng nếu bạn là một trong số những người may mắn có khả năng chọn lựa, hãy nhớ rằng tiền là một phương tiện, chứ không phải là mục tiêu cuối cùng. Một quyết định nghề nghiệp chỉ dựa trên tiền bạc mà không hề có tình yêu công việc hay mong muốn tạo ra sự khác biệt chỉ là mầm mống cho sự bất hạnh.
8. Không ai muốn thất bại nhưng thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống và của quá trình học tập. Nếu bộ đồng phục của bạn chưa bẩn nghĩa là bạn chưa tham gia trò chơi.
9. Trước đây tôi từng nói tới định nghĩa về sự thành công trong một thế giới đầy biến động. Tôi hi vọng rằng khi các bạn phát triển định nghĩa thành công của riêng mình, các bạn sẽ làm điều đó, nếu muốn, cùng với người bạn đồng hành của mình. Khi lựa chọn bạn đồng hành, hãy nhớ rằng vẻ đẹp thể chất chỉ là cách để tạo hóa đảm bảo rằng người kia không có quá nhiều ký sinh trùng đường ruột. Đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi hoàn toàn không có ý phủ nhận tầm quan trọng của sắc đẹp, sự lãng mạn và những hấp dẫn tình dục. Hollywood và đại lộ thời trang Madison sẽ là gì nếu thiếu những thứ đó? Nhưng dù vậy, đó cũng không phải là những thứ duy nhất mà bạn nên tìm kiếm ở một người bạn đời. Hai bạn sẽ phải cùng nhau đi một quãng đường dài, các bạn sẽ cần tới sự ủng hộ và đồng cảm của người kia nhiều hơn bạn nghĩ. Nói như một người đã sống hạnh phúc 35 năm bên bạn đời của mình: “Tôi không thể tưởng tượng được trên đời có một sự lựa chọn nào có tính chất hệ quả hơn việc lựa chọn bạn đời”.
10. Hãy gọi điện thoại cho cha mẹ bạn dù chỉ một lần. Sẽ đến lúc bạn muốn những đứa con bận rộn và thành công của mình gọi cho bạn. Và hãy nhớ ai là người đã trả học phí cho bạn học ở Princeton.
Trên đây là những đề xuất nho nhỏ của tôi – những chia sẻ của một người cũng có những tình cảm tuyệt vời dành cho ngôi trường này, của một người cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho tương lai các bạn.
Xin chúc mừng, các tân cử nhân!
Nguyễn Thảo(Dịch từ Federal Reserve)

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Chut lang man cuoi cung...

Mình vừa mới trải qua đợt ôn thi để thi cao học. Ôi, cái sự học thấy sao cao thật là cao! Thầy dạy ôn tiêếg Anh nói : bà này giờ còn bon chen, không ở nhà lo cho chôồg, con mà còn lo đi thi cao học!?

ừ, thấy cũng "chốI" quá. Chẳng biết sống được bao lâu nữa đâu mà trưa nào cũng khăn gói lên đường, chạy xe máy khoảng 5km để ra bến xe bus, gởi xe máy rồi leo lên xe bus, đi 2 chặng để đếến trường Đại học KHXHNV, chiều 17h bướớra khỏi lớp, lại xuống 3 tầng với 6 lần cầu thang để ra ngoài, và lại đu đưa trên xe bus 2 chặng với khoảng 37km để về bến cuối. Về đến nhà tay chân rã rời, nằm vật ra là ngủ nhưng trưa mai, dù nắng hay mưa vẫn quyết tâm lên đường...

Thi rồi, học cho cố xác nhưng khi buông quyển sách ra là chẳng nhớgì, dườg như tuổi tác chống lại ý chí. Sự phân tâm trong lúc học cũng là một nhược điểm tuổi già...Vì vậy cứ nghĩ là ấ đã đọc được nhiều nhưng buông sách ra thấy mình đang để tâm trí ở đâu đâu...

Vô thi mình làm bài môn triết theo cách nhớ của mình, chứng minh bằng thực tiễn mà mình đã trải qua của cái quy luật " Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội". Anh văn cũng khá OK, thi Lý thuyết truyền thông cũng ổn. vậy mà kết quả thì môn Triết mình lại không đủ điểm!!!

tèn tèn tèn. Có lẽ khi mình đang viết về khoán trong nông nghiệp, từ khoán 100 đến khoán 10 rồi khoán hộ thì anh thầy chấm triết học chưa sinh ra, thế nên anh đâu biết những viện dẫn của mình về tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội...!

Thôi thì vĩnh biệt giấc mơ lãng mạn muốn vượt qua chính mình; còn học thì sẽ tiếp tục nghiền ngẫm ở trường đời vậy. Được bây nhiều hay bấy nhiêu. Tội nghiệp cho cái bộ nhớ hoang vu của mình...
8/2007
Đảo Hải tặc, một thời cách nay chưa xa lắm, khoảng 36-37 năm, là một nỗi khiếp sợ cho những ai có ý định vượt biên vì không ít người vượt biên đã bị bọn hải tặc Xiêm chặn tàu, cướp của cải và hiếp phụ nữ, quăng xác dân vượt biên xuống biển. Nó chẳng xa xôi nếu đi Hà Tiên, khoảng 30 phút tàu cao tốc là ra tới nhóm cụm đảo này. Thế nhưng có lẽ lúc đó tàu VN nhỏ bé, mã lực nhỏ nên không thể đi nhanh, đi xa, những người vượt biên từ các bến leo lên tàu và ngồi dưới hầm tàu rồi phó mặc cho số phận, bão táp mưa giông, không vũ khí để chống lại những bất trắc...
Vậy nên bọn hải tặc Thái đã vào tận lãnh hải VN và nấp bên sau những hòn đảo, thấy tàu VN đi qua là chúng bao vây cướp-hiếp-giết! Khốn khổ cho những thuyền nhân lúc bấy giờ...
Giờ đây ra đảo với lúc biển hơi động, ca-nô vượt lên sóng để đi, tàu giật đùng đùng, nhìn ra biển mênh mông mình mới thấu hiểu sự liều lĩnh và yếu đuối của những người vượt biên lúc đó. Nhìn mặt biển mênh mông với những ngọn sóng dập dờn, mình thầm nguyện cho những oan hồn đã bỏ mình nơi biển cả.

Rồi lại miên man nghĩ đến Trường Sa, Hoàng Sa, vùng lãnh hải thiêng liêng ấy với những con người hy sinh thầm lặng đang canh giữ đất trời, lãnh hải cho tổ quốc. Cả những ngư dân đang bám biển ngày đêm để mưu sinh, làm giàu cho tổ quốc bằng sản vật từ biển  và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của dân Việt. Tất cả họ thật anh hùng vì giữa mênh mông biển khơi, thời gian biển êm có lẽ không nhiều, còn khi biển  gầm gừ gào thét, nó có thể xô ngã hay xé toác những gì lướt trên mặt nó , làm đổ vỡ và phá hủy những gì mà cơn sóng giận dữ đi qua...
Cụm đảo Hải tặc giờ đây có đảo có người ở, có nơi còn hoang sơ ,  vẫn hiện hữu  giữa biển Hà Tiên muôn trùng , là nhân chứng cho một khúc quanh lịch sử của người dân xứ Việt và đang dang tay tiếp nhận những nhà đầu tư đến mở mang các dịch vụ phát triển, làm giàu cho Hà Tiên - Rạch Giá.
 BÀI HỌC TỪ NGƯỜI QUÉT RÁC

"Nếu không gặp được Allen - người quét rác 10 năm về trước có lẽ giờ này, tôi đang quay cuồng trong vòng quay vô tận của đồng tiền" Học là việc của cả đời. Ngày tốt nghiệp đại học tôi mới mới bắt đầu sự nghiệp học hành của chính mình - học từ cuộc sống. Biết bao người thầy sau này đã dạy cho tôi vô vàn kiến thức. Họ là các giáo sư, tiến sĩ, các chủ tịch, tổng giám đốc của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy nhiên tôi không thể nào quên được một người thầy đặc biệt của mình : Thầy Allen.

Hằng ngày từ ký túc xá trên phố Mountain - Sydney (Australia), tôi khoác ba lô đi học hay lên thư viện. Mỗi buổi sáng, tôi đều bắt gặp một anh công nhân vệ sinh thu dọn quanh khu nhà. Anh luôn tươi cười và kèm theo là lời chào rất thân thiện “Hello, how are you” (Chào bạn, bạn khỏe chứ?). Anh làm như vậy ngay khi gặp tôi.

Về phần mình tôi luôn lẳng lặng bước đi, khuôn mặt lạnh tanh và khó chịu. Trong đầu tôi lúc đó chỉ hiện lên một ý nghĩ duy nhất “Thằng cha này thấy sang bắt quàng làm họ. Hắn thấy tôi có chức vụ, có tiền bạc, có học thức nên muốn bắt quen đây. Hắn thì có khác gì mấy cô công nhân vệ sinh hay đi dọn rác trước cổng nhà mình ở phố Thái Hà, Hà Nội”.

Ngày tiếp theo, anh công nhân vệ sinh vẫn cười tươi, vẫn chào tôi hết sức niềm nở. Tôi vẫn khó chịu và đút hai tay vào túi quần đi thẳng.

Khuôn mặt vênh váo. Ngày thứ ba vẫn vậy, anh quét rác lại chào tôi rất vui vẻ, khuôn mặt và thân hình thể hiện sự thân thiện với tôi. Tuy nhiên, trong lần này, để cho xong chuyện tôi đã trả lời anh ta một cách miễn cưỡng: “I am fine, thank you. And you?” (Tôi khỏe, cám ơn anh. Thế còn anh?)

Tôi nói xong và chợt nhận thấy rằng mình đã cười. Tôi đã cười mà không biết, điều này không như trong kế hoạch ban đầu của một người coi thường anh công nhân dọn vệ sinh. Thú vị hơn tôi phát hiện ra khuôn mặt tươi tỉnh của chính mình, rằng hình như mình vui hơn, dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn, thư giãn hơn.

Vừa đi tôi vừa nghĩ về mình rồi lẩm bẩm: “Ta thật là ngu dốt”. Quả thật, từ trước đến nay, trong suốt bao nhiêu năm qua tôi đã có một suy nghĩ không đúng, rằng khi cười với ai đó tôi mang lại niềm vui cho họ.

Khi bắt tay ai tôi luôn nghĩ mình ban ơn cho họ. Khi gần gũi ai, tôi luôn nghĩ họ được lợi từ tôi. Và, tôi thấy mình thật sai lầm. Bởi, khi tôi cười với anh công nhân quét rác này người được lợi đầu tiên không phải là anh ta mà là chính tôi.

Và tôi chợt nhận ra rằng anh ta đâu có biết tôi là ai. Anh không hề biết tôi có bao nhiêu tiền, làm chức vụ gì, có học thức đến đâu. Trong mắt anh ta tôi từ ký túc xá bước ra tức tôi là sinh viên, là người đi học. Dù có học tiến sĩ, thạc sĩ hay đại học vẫn là người đi học, là sinh viên. Mà thậm chí anh cũng chẳng quan tâm tôi có là sinh viên hay không.
Trên thực tế tôi chỉ là một người châu Á da vàng, mũi tẹt. Nhưng anh ta cũng chẳng để ý đến chuyện ấy. Anh chỉ cười và chào tôi như đã và đang làm việc đó với tất cả những ai từ ký túc xá bước ra. Tất cả mọi người là bình đẳng. Tất cả chúng ta là con người. Tôi thấy xấu hổ và tôi đã nhận ra vấn đề. Tôi đã được học một bài quý giá. Từ đó đi đâu, gặp ai tôi cũng chào và cười. Không chỉ cười mà là cười rất tươi. Cười từ trái tim mình, từ đáy lòng mình.

Một bữa nọ khi từ thư viện về tôi phát hiện ra Allen - người quét rác đang ngồi uống cà phê trong quán. Anh ăn mặc rất lịch sự, vừa nhấm nháp ly café vừa đọc sách. Ngạc nhiên và tò mò, tôi lại gần làm quen, cùng uống café, cùng nghe nhạc với anh.

Tôi không ngờ rằng người mặc bộ quần áo bảo hộ, đi lau nhà, quét rác mỗi sáng bây giờ lại biến thành một người lịch lãm, trí tuệ thế này. Anh đọc sách say sưa và đọc khá nhanh. Bài học nữa tôi đã học được: Mỗi lúc chúng ta đang đảm nhận vai diễn nào đó, lúc đóng vai nào phải làm tốt vai đó. Hơn nữa, không nên coi thường người công nhân quét rác. Anh ấy cũng đọc sách, cũng nghe nhạc, cũng thưởng thức café và các món ăn.

Allen đã kể cho tôi nghe vanh vách về Kim Tự Tháp ở Ai Cập, về những gì còn sót lại từ vườn treo Babillon ở Iraq, về vùng đất lạnh và băng giá Siberie của nước Nga. Anh nói về thời kỳ La Mã, về chiến tranh Nam Bắc của nước Mỹ, về cuộc sống của người Eskimo. Đặc biệt anh nói về Việt Nam khi biết tôi là người Việt (Sau này anh kể rằng anh cứ ngỡ tôi là người Thái hay Indonesia).

Hóa ra Alen đam mê đi du lịch. Anh đi du lịch qua sách. Những hiểu biết của anh làm tôi kinh ngạc. Hóa ra anh rất hiểu biết và có trí nhớ và sự tưởng tượng tuyệt vời. Allen hỏi tôi khu vực Hạ Long có bao nhiêu hòn đảo? Khi đó, vì không biết, tôi đã nói đại rằng quãng 1.000 hòn.

Allen đã giảng giải về các hòn đảo, về địa lý, khí hậu, thảm thực vật và thủy sản cũng như tính chất vùng biển của 1.960 hòn đảo, (chứ không phải con số 1.000 như tôi nghĩ) trong vùng diện tích 1.553 km2 này. Nhờ Allen mà tôi, có lẽ, đến chết không quên được những con số này.
Allen đề nghị tôi phân tích về nhạc Việt Nam, nhất là vấn đề đặc biệt của loại nhạc 5 nốt này. Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ biết đến nhạc của đất nước mình lại chỉ có 5 nốt. Tôi luôn nghĩ nhạc gì thì nhạc, đã là nhạc thì phải là 7 nốt chứ.

Cuối cùng tôi đã phải há miệng ra nghe Allen nói về chèo, về cải lương, về chầu văn, và về các loại nhạc cụ của Việt Nam, đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên. Allen đã dạy cho tôi bài học quý giá về tính tìm tòi khám phá, rằng tôi phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn, quan sát và ghi nhớ nhiều hơn.

Chính từ bài học quý giá này mà ngay sau khi về Việt Nam tôi đã quyết định lái xe làm một chuyến xuyên Việt. Tôi cũng quyết đi tham quan toàn bộ đất nước mình, không bỏ sót tỉnh nào. Tôi chợt nhận ra rằng mình đã bỏ qua rất nhiều điều quan trọng, rằng tôi đã đi đến tận 39 quốc gia nhưng lại chẳng hiểu được nhiều thứ đang diễn ra ngay tại đất nước mình.

Ngày tôi đến thăm nhà của Allen, tôi lại học thêm được một bài học quý giá nữa. Allen có khoảng gần 1.000 cuốn sách. Là người học nhiều, đi nhiều, thường xuyên mua và đọc sách nhưng tủ sách của tôi cũng chỉ có quãng 300 cuốn. Còn Allen, một công nhân vệ sinh đã có một tủ sách quá vĩ đại. Anh đam mê sách và đã bỏ một khoản tiền lớn ra mua, trưng bày sách. Anh nói đã đọc hết những cuốn sách này. Thậm chí có những cuốn đọc đến 2-3 lần. Tôi nhớ khi đó tôi có mong muốn quỳ dưới chân anh xin nhận anh làm thầy.


Cũng tại những lần đến thăm anh, tôi đã được học cách nấu ăn. Làm sao nấu đơn giản, đủ chất, ngon miệng mà không quá cầu kỳ. Một tình bạn thân thiết đã nảy mầm giữa một doanh nhân với một anh quét rác. Chuyện này tôi không thể tưởng tượng được trước đó một vài năm.


Từ ngày gặp Allen tôi bỏ hẳn các tính xấu của mình: kiêu ngạo, soi mói, coi thường người khác. Tôi cũng trở nên điềm đạm hơn, nói nhỏ hơn, ít nóng tính hơn. Tôi cũng không còn “bệnh” nhìn hình dáng bên ngoài mà kết luận con người nữa.

Tôi luôn niềm nở và giúp đỡ mọi người. Tôi quyết định chọn sứ mệnh “sẻ chia” của mình từ ngày đó.
Cũng nhờ Allen và những người thầy khác sau này tôi đã hiểu và thực hành nguyên tắc “cho mà không đòi hỏi, cho mà không cần nhận”. Tôi cũng đã triển khai mỗi ngày, mỗi giờ cách sống “pay it forward” - đáp đền tiếp nối. Cũng từ ngày đó cuộc đời của tôi luôn hạnh phúc, bình an và chan chứa yêu thương.

Gần chục năm đã trôi qua. Bây giờ nghĩ lại, nếu không gặp được Allen, chắc tôi vẫn đang quay cuồng trong vòng quay vô tận của đồng tiền, không chút nghỉ ngơi, không dành thời gian để hiểu và sống hạnh phúc với những người xung quanh, trong đó có các bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm.

Tôi thật biết ơn thầy tôi, bạn tôi , Allen.

Nguyễn Mạnh Hùng

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013




Vấn nạn về việc Người lao động Trung quốc tại VN lấy vợ Việt và sinh con "ở rể" tại Việt Nam!

             Chưa có thống kê chính thức cho vấn đề này nhưng vừa qua dư luận đã gióng lên tiếng chuông về việc đang có quá nhiều Người lao động Trung quốc vào VN bằng con đường lao động cho các DN Trung quốc đầu tư tại VN, đa phần là vào các vùng sâu khai thác mỏ quặng, làm thủy điện...
            Số lao động này sang VN có xu hướng tìm ngay cô vợ Việt để lấy và sinh con đẻ cái. Như vậy VN sẽ cáng đáng thêm phần chi cho hạ tầng kinh tế xã hội phục vụ cho khu vực phát sinh của số lao động cơ học này. Và số phụ nữ Việt ở vùng sâu vùng xa, thiếu điều kiện để giao lưu học hỏi, thiếu thông tin nên không ít người "sa" ngay vào bẫy tình với mấy anh lao động made in China. Có lẽ khoảng 15 năm nữa chúng ta sẽ có một lớp công dân mang 2 dòng máu Việt-Trung ngay trong các cộng đồng xã, ấp ở VN. Còn ngay lúc này đây thì việc lao động TQ nhập cư đông quá cũng sẽ có một số làng Trung quốc tại VN!
             Chưa kể đến vấn đề an ninh quốc gia vì chiến lược bành trướng của Bắc Kinh, nhưng nghĩ về hiệu quả kinh tế thôi thì đã thấy ta thua thiệt quá. Tự dưng cha mẹ cô gái ấy đã nuôi nấng cô cho khôn lớn, giờ lại gả ngay cho một anh đến từ China, rất nghèo và khổ nữa - vì những người được đưa qua đây đều là thành phần nghèo khổ, thậm chí dư luận còn nêu ra là có cả những tù nhân được thả ra để đưa sang VN. Các anh TQ sang tận đất Việt, lấy vợ Việt và ở rể đất Việt mà chẳng tốn kém gì! Giả sử các cô gái nghèo ở miền Tây mong lấy chồng ngoại để đổi đời cho gia đình, cho bản thân, dù sau đó qua tới xứ người mới biết mình bị lừa, biết mình khổ đến phải tự tử thì ít ra khi họ sang VN để xem mắt, hỏi cưới vợ Việt thì họ cũng chịu bỏ ra một khoản tiền để cho dịch vụ, cho cưới hỏi...Còn đàng này thì các anh China quá nhẹ nhàng.
          Có lẽ các nhà báo bớt các tin về cướp, hiếp, giết mà nên đi sâu tìm hiểu vấn nạn này để viết, làm rõ hơn âm mưu bành trướng, Trung quốc hóa VN.

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Những con đường đèo ở Việt Nam




THẮNG CẢNH
NHỮNG CON ĐÈO Ở VIỆT NAM
oOo

Đèo Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa
chỉ “sống mũi con ngựa” - Hà Giang, Miền cực Bắc, Việt Nam

Đèo Ô Quy Hồ - Lào Cai, Miền Bắc, Việt Nam

Đèo Pha Đin, Sơn La; xuất xứ từ tiếng Thái: Phạ Đin,
được giải thích như sau: Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất",
hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất! Miền Bắc, Việt Nam

Đèo Ngang - Quảng Bình, Miền Bắc-Trung Phần, Việt Nam

“Đi bộ thì khiếp Hải Vân - Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi”...
Đường đèo Hải Vân xưa - Huế-Đà Nẵng,  Miền Nam-Trung Phần, Việt Nam

Đèo Hải Vân, trong lịch sử triều Nguyễn, vua Minh Mạng (1791-1840)
là người thích du ngoạn, cho nên dấu ấn của ông để lại nhiều nơi.

Vào năm 1826 ông đã cho xây Hải Vân Quan,
ông đã cho xây đá thành bậc ở những đoạn đường dốc
cho dễ đi lại và ngay trên đỉnh đèo.

Đèo Hải Vân với đỉnh cao nhất 500 mét so với mực nước biển,
đã làm chia cách khí hậu rõ rệt giữa hai miền Bắc và Nam-Trung phần.

Đèo Hải Vân được ví như dải lụa mềm mại vắt ngang dãy núi hùng vĩ bạt ngàn lau sậy.
Hàng ngày có hàng chục chuyến tầu hỏa xuyên Việt & hàng ngàn xe hơi vượt qua Đèo Hải Vân!

Ngày nay, các phương tiện có khuynh hướng dùng Hầm của Đèo Hải Vân để đi qua.
Xem:
http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A7m_H%E1%BA%A3i_V%C3%A2n




Cảnh trạm gác phủ rêu phong được xây từ thời vua Minh Mạng
vẫn còn nguyên tấm bia đá đề chữ
 Hải Vân Quan”.
Còn tấm bia đá trắng ghi “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” 
đã bị tàn phá theo thời gian.

Phía trên cửa trạm gác quay về hướng bắc treo
một tấm biển to bằng đá cẩm thạch khắc ba chữ Hán lớn
Hải Vân Quan”,
và phía quay về hướng nam là biển đá với sáu chữ Hán
Thiên hạ Đệ Nhất Hùng Quan

Cảnh một lô-cốt từ thời Pháp thuộc nằm trơ trọi trên một triền đồi hoang vu
giữa  ngút ngàn lau sậy trên đỉnh đèo Hải Vân cũng gợi nên một thời chinh chiến xa xưa...

Một cù lao đá hình "gan gà" nằm một mình dưới chân đèo Hải Vân!

Bãi biển Lăng Cô còn được mệnh danh là "Vịnh" Lăng Cô,
 thuộc Thừa Thiên, Huế, với một vẻ đẹp quyến rũ nhìn từ lưng chừng đèo Hải Vân.

Vẻ đẹp rất thiên nhiên của biển Đà Nẵng nhìn từ lưng chừng đèo Hải Vân!

Đèo Cả thuộc miền Trung - Nam phần, Việt Nam.
Đèo Cả dài 12km, nằm trên quốc lộ 1A, phía đông tiếp giáp với bờ biển VN.
Đèo Cả là địa danh nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Đèo Cả là một trong những đèo có địa hình hiểm trở vào bậc nhất ở vùng miền Trung - Nam phần, Việt Nam

Tạo hóa đã ban tặng cho Đèo Cả một món quà vĩ đại của thiên nhiên.

Đèo Cả in bóng dưới làn nước biển trong xanh vắt,
lung linh như một bức tranh thủy mạc khổng lồ.

Đèo Rù Rì ở Thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Miền Nam - Trung phần, Việt Nam.


Đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Sông Pha thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Đèo Ngoạn Mục nối Thị trấn Đà Lạt (Tỉnh Tuyên Đức trước đây) với
Thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận về phía đông.
Đèo Ngoạn Mục thuộc Miền Nam Cao nguyên - Trung phần, Việt Nam
Nguồn: Internet E-mail by Lê Dũng K4-71/SQTB/TĐ, ĐPQ/QL-VNCH chuyển

(Cảm ơn ĐÀM THANH & NGÔ NGỌC NGŨ LONG ĐÃ SEND)

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Nhà thiết kế Minh Hạnh

Cuộc tìm kiếm và định vị "bản sắc Việt"

(Bài đăng trên PHáp Luật Chủ Nhật,  ra ngày 28/9/2012)

Cập nhật 30/09/2012 08:35 (GMT+7)

.
1       Nhà thiết kế (NTK)  Minh Hạnh và nhóm cộng sự, trong đó có  bốn người mẫu VN như Hoa hậu Ngọc Hân, quán quân VN Next Top Model 2010 Huyền Trang, cùng Phạm Trang và Phương Liên (đến từ New Talent) vừa trở về sau Lễ hội quốc tế về dệt may đặc biệt (FITE) được tổ chức tại Pháp từ ngày 12-16/9/2012.
 
 
Lễ hội được UNESCO tài trợ và Bộ Văn hóa Truyền thông nước Cộng hòa Pháp chứng nhận “Triển lãm vì lợi ích quốc gia”. Đây chẳng phải là lần đầu tiên Minh Hạnh đem thời trang của xứ mình – nơi chưa thật sự có nền thời trang mang tính chuyên nghiệp từ thiết kế đến trình diễn – đến những nơi được coi là kinh đô thời trang thế giới.  
Mẫu thiết kế của Minh Hạnh trình diễn tại kinh đô thời trang
Mẫu thiết kế của Minh Hạnh trình diễn tại kinh đô thời trang
Tuy nhiên, lễ hội FITE lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp lần này thật đặc biệt. Nhiều nghệ nhân trong ngành dệt may thế giới đã mang đến triển lãm giới thiệu sản phẩm có một không hai trên thế thế giới với chất liệu, sắc màu dân dã nhưng không phải dễ tìm kiếm, tận dụng trong một thế giới đang biến đổi khôn lường về khí hậu, môi trường.
 
Những sản phẩm quý hiếm này đã tạo ấn tượng mạnh mẽ về một lĩnh vực luôn theo sát tiến trình phát triển của xã hội, liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại và mở rộng con đường đi đến tương lai , nhắc nhở cộng đồng về ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường để giữ  được sự tinh khôi, trong lành của không gian mà thế giới đang sống một cách bền vững hơn.
 
2       Cuộc xuất ngoại lần này của Minh Hạnh cũng khá đặc biệt. Ban tổ chức tìm thông tin về chị qua internet và mời đích danh. Vẫn biết là cuộc chơi này dành cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân với thời đại nhưng Minh Hạnh cũng nghĩ rằng mình là người VN duy nhất có mặt tại Lễ hội này nên  bộ sưu tập cũng phải nói lên điều đó.
 
Ba tháng miệt mài,  Minh Hạnh đã  đem đến Lễ hội  50 mẫu thiết kế đặc biệt bằng loại vải dệt tay của người H’Mông ở vùng Tây Bắc , Hà Giang và đồng bào thiểu số Tây nguyên, kết hợp với kỹ thuật thêu tay truyền thống tinh xảo và với sự tinh tế, sáng tạo bền bỉ của người luôn biết tìm cái mới trong những chất liệu tưởng như quen thuộc, Minh Hạnh tự tin góp phần tích cực vào thông điệp chung của Lễ hội là duy trì và bảo vệ những vốn quý truyền thống của ngành dệt may cho thế hệ mai sau một cách bền vững.
 
Với Hạnh, mỗi cuộc ra ngoài là một lần tiếp cận thực tế cái mới và đem cái mới của mình ra trình với thiên hạ  để mọi người có thể nhìn rõ hơn, cảm nhận sâu hơn về thời trang Việt và con người Việt thông qua những sắc màu, chất liệu dân dã, tự nhiên. Sở trường và sự sắc sảo của Minh Hạnh là biết tìm ra những điểm tương đồng Đông-Tây ẩn chứa trong các chất liệu vải sợi, hoa văn của đồng bào vùng cao, từ Tây Bắc xuống Tây nguyên để làm nó nổi bật lên với bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề trong từng đường kim mũi chỉ.
 
 
3          Có thể nói,  con đường đi vào nghề thiết kế thời trang của Minh Hạnh cũng ngẫu nhiên như một sự đẩy đưa của số phận. Những năm sau giải phóng, gia đình Hạnh từ Đà Nẵng chuyển vào TPHCM với cái nghề kiếm sống lúc bấy giờ là may đồ gia công cho Hợp tác xã . Vừa đi học, vừa may gia công, rồi chị cũng vào được trường Mỹ thuật Gia Định. Sau đó ra trường Minh Hạnh làm công việc của một họa sĩ vẽ tranh cổ động tại Duyên Hải ( Cần Giờ), rồi làm họa sĩ cho các báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động (lúc bấy giờ còn là tên Công nhân) và Phụ nữ TPHCM. Chị đã là người đầu tiên thực hiện trang thời trang trên báo Phụ nữ TPHCM với thiết kế của mình  và người mẫu là chị em phóng viên trong cơ quan.  
Người mẫu nước ngoài trong thiết kế của thời trang Việt
Người mẫu nước ngoài trong thiết kế của thời trang Việt
Duyên nghiệp với ngành thiết kế thời trang có lẽ thật sự đến vào năm 1992 chị được mời về phụ trách Trung tâm thời trang Legafashion của Legamex (đây cũng là Trung tâm thời trang đầu tiên của VN),  Minh Hạnh chính thức bước vào nghề thiết kế thời trang một cách chuyên nghiệp. Và sau đó được mời về làm ở Viện mẫu thời trang VN (FADIN) của Ngành dệt may VN thì Minh Hạnh cũng như ngành thiết kế thời trang VN bắt đầu được chú ý đến và khởi sắc bằng các cuộc trình diễn thời trang dành cho những người yêu thích thời trang.
 
Nếu đưa Minh Hạnh vào nhóm những NTK của thế hệ thứ nhất thì chính tại đây chị đã xây dựng một đội ngũ các nhà thiết kế thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba qua cuộc thi Vietnam Collection Granprix và những hoạt động thời trang chuyên sâu như Vietnam Fashion Week hàng năm.
 
 Hơn 20 năm được làm công việc yêu thích, được tung tẩy trên xa lộ thời trang mà bản thân mình cũng phải vừa làm vừa học. Học từ người H’Mông trên vùng  Tây Bắc đến đồng bào dân tộc sống ở cao nguyên Trung phần, và cả những thợ làm vải Mạc nưa ở vùng sông nước miền Tây; những thợ may, thợ thêu  ở miền Trung, miền Đông. Học từ những bạn bè, những nhà thiết kế chuyên nghiệp ở nước ngoài. Cần mẫn như ong thợ để rồi góp phần đem lại nguồn mật ngọt cho ngành thiết kế thời trang còn non trẻ như VN. Một lớp đàn em kế thừa cũng đã có những bộ sưu tập, những “show” trình diễn không chỉ ở trong nước mà còn ra nước ngoài.
 
4. Nghề thiết kế thời trang chộn rộn những sắc màu kết hợp với sự tinh tế, khéo léo, sáng tạo, cảm nhận của mỗi nhà thiết kế. Nhưng xem ra nghề nào càng hào nhoáng thì cũng đầy thử thách khắc nghiệt. Vì vậy dù đã có  hàng chục  cuộc trình diễn bộ sưu tập của mình một cách ấn tượng như tại các Festival, triển lãm, lễ hội từ trong nước ra nước ngoài, từ Đông qua Tây, từ thiết kế đồng phục cho tiếp viên hàng không Vietnam Airlines cho đến  đồng phục VN cho nguyên thủ các nước thành viên ASEM, APEC họp tại VN (năm 2006) …, Minh Hạnh vẫn thấy rằng Việt Nam chưa có ngành công nghiệp thời trang mặc dù công nghiệp may (gia công) phát triển với tốc độ rất nhanh. Chị cho rằng để có thể chuyên nghiệp đòi hỏi phải có một tầm nhìn, chính sách đủ để khuyến khích,  tập hợp, đào tạo đúng mức nhân lực cho ngành  thời trang.
 
Năm 2013 lễ hội về ngành dệt may thế giới sẽ  được tổ chức tại VN. Ngay từ bây giờ, ý tưởng và sự khởi động chuẩn bị cho bộ sưu tập mới đã bắt đầu hình thành. NTK Minh Hạnh vẫn nghiêng về sở trường là tìm kiếm những nét riêng trong bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc với sự tương đồng văn hóa cổ điển, của sự nền nã Đông – Tây kết hợp.
 
Theo chị, lễ hội dệt may 2013   là dịp để VN nhìn rõ hơn về vị thế của Viet Nam trong thế giới thời trang với đa sắc màu, sự gắn kết giữa quá khứ-hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại giữa Đông và Tây…Và quan trọng là một chiến lược phát triển đúng đắn  thì sẽ có đội ngũ cho ngành Thời trang hôm nay và trong tương lai không xa.
 
Kim Loan
.

.

750 năm Thiên Trường-Nam Định

VTV1 ĐANG TRỰC TIẾP TRUYỀN HÌNH VỀ LỄ HỘI Ở NAM ĐỊNH, PTT NGUYỄN THIỆN NHÂN ĐANG ĐỌC DIỄN VĂN, THÔI THÌ POST BÀI VIẾT NÀY Ở HANOIMOI.COM CHO NHANH. ĐỌC ĐỂ HIỂU VỀ VÙNG ĐẤT PHÁT TÍCH NHÀ TRẦN...

750 năm Thiên Trường-Nam Định
Hoạt động kỷ niệm | Nam Định- các thời kỳ lịch sử | Nam Định- đổi mới và phát triển
Thiên Trường xưa - Nam Định nay
7:22' 4/10/2012
(hanoimoi.com.vn)

Thời thịnh Trần, Tức M

ặc - Thiên Trường có vị trí như kinh đô thứ hai. Sau kỷ nguyên nhà Trần, Thiên Trường - Nam Định vẫn có vị trí như trung tâm phía nam đồng bằng sông Hồng. Nhân ngày Giỗ Đức Thánh Trần năm nay, 20 tháng 8 Nhâm Thìn (5-10-2012), tỉnh Nam Định tổ chức Lễ Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Hành cung Tức Mặc - Thiên Trường thời Trần
Đại Việt sử ký toàn thư, chép: “Tổ tiên nhà Trần là Trần Kinh đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường”. Hương Tức Mặc xưa, nay thuộc xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định.


Thành phố Nam Định hôm nay.
Năm 1225, nhà Trần nối tiếp nhà Lý, thu phục hiền tài, chấn hưng Đại Việt. Năm 1239, vua Trần Thái Tông cho xây dựng hành cung Tức Mặc. Năm 1262, hương Tức Mặc được nâng cấp thành Phủ Thiên Trường, là đơn vị hành chính đặc biệt, có vị trí như kinh đô thứ hai. Nơi đây có Cung Trùng Quang để Thượng hoàng về ngự sau khi truyền ngôi; lại có Cung Trùng Hoa để vua nối ngôi về chầu, yết kiến quốc sự. Phan Huy Chú, trong Lịch triều hiến chương loại chí, viết: “Các vua Trần sau khi nhường ngôi cho con đều về ở Thiên Trường, vua và các quan phải đến chầu theo định kỳ”. Nhà Trần thực hiện chế độ hai vua (Thái Thượng hoàng - Vua cha và Quan gia - Vua con). Theo nhà sử học Ngô Sỹ Liên: “Gia pháp Nhà Trần, con đã lớn thì cho nối ngôi chính, cha lui ở cung Thái từ, xưng là Thượng hoàng trông coi chính sự”. Thời Trần, nhiều quyết sách “sâu rễ bền gốc” của đất nước được khởi thảo, quyết định tại hành cung Thiên Trường. Tức Mặc - Thiên Trường còn có vị thế xung yếu về quân sự quốc phòng; là hậu phương vững chắc của kinh thành Thăng Long; nơi đây có hệ thống sông ngòi liên hoàn lợi hại về thủy binh, cả công và thủ. Từ Tức Mặc, theo sông Vĩnh Giang ra sông Hồng, ngược lên kinh thành Thăng Long, hoặc xuôi ra Biển Đông, tỏa đi các hướng. Trong 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỷ 13, các vua Trần, triều đình và tôn thất đều lui về Thiên Trường, tích lũy lương thảo, chỉnh đốn lực lượng, hoạch định kế sách tổng phản công chiến lược đánh tan giặc Nguyên Mông, đế chế phong kiến mạnh nhất thế giới đương thời.

Triều Trần trải qua 175 năm (1225-1400) và hậu Trần 7 năm (1407-1414) với 14 đời vua. Thời thịnh trị, với hào khí Đông A, nhà Trần đã xây dựng Đại Việt thành quốc gia hùng mạnh “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức”. Đại Việt kỷ nguyên nhà Trần thế kỷ XIII có nền văn trị rực rỡ, pháp quyền công minh, đời sống nhân dân no ấm. Vương triều Trần đã sản sinh ra nhiều vị vua anh minh và anh hùng, như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; cùng nhiều nhân tài trác việt, công danh lừng lẫy cả về võ công, văn trị và lòng trung quân ái quốc, như Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản…

Là đơn vị hành chính đặc biệt, Thiên Trường không chỉ là một trung tâm chính trị, nơi đây còn là trung tâm khởi phát nhiều giá trị văn hóa tư tưởng, tôn giáo, phong tục tập quán mang đậm bản sắc Đại Việt - Đông A. Giáo phái Trúc Lâm (Yên Tử) do Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, đã đưa Phật thời nhập thế, gắn đạo với đời, đồng hành cùng dân tộc. Tại đây hiện còn công trình Phật Giáo Chùa Phổ Minh và Tháp Phổ Minh 14 tầng được xây dựng thời nhà Lý phồn thịnh, đầu triều Trần nâng cấp, mở rộng. Để chấn hưng đất nước, cùng với Thăng Long, tại Tức Mặc - Thiên Trường, vua Trần cho lập Nhà học chăm lo việc đào tạo, tuyển chọn hiền tài, không phân biệt sang hèn, tuổi tác. Khoa thi năm Đinh Mùi (1247), Nguyễn Hiền, người huyện Thượng Nguyên, sau thuộc phủ Thiên Trường, đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi. Thời thi Nho học, từ Trường Thi Thiên Trường, đã có 82 vị đỗ Trạng nguyên, Tiến sỹ, Phó bảng, và hàng ngàn Cử nhân, Tú tài, bổ sung vào bộ máy triều chính, giúp dân, giúp nước, trong đó có Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Tam nguyên Trần Bích San, Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị… Hồ Chủ tịch trong Lịch sử diễn ca đã viết: “Thời Trần, văn giỏi, võ nhiều. Người dân thịnh vượng, trong triều hiển vinh”.

Văn bia Nam Trạch miếu bút ký, ghi: “Tiên miếu thờ Tổ tiên họ Trần Việt Nam được xây dựng vào năm 1239 ở hương Tức Mặc”. Thế kỷ XV, Trần miếu và nhiều công trình kiến trúc ở hành cung Thiên Trường bị giặc Minh tàn phá. Đền Trần Thiên Trường được trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Chính Lễ Khai ấn đền Trần hằng năm được cử hành tại Đền Trần Nam Định, nơi thờ tự bài vị Thủy Tổ họ Trần Việt Nam và các vua Trần. Từ năm 1985 đến 2005 đã có 5 cuộc hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế về quê hương nhà Trần Việt Nam, được tiếp cận từ cứ liệu sử học, khảo cổ học, văn học, bảo tàng học, địa lý học… Theo Giáo sư Viện sỹ Nguyễn Duy Quý: “Phủ Thiên Trường thuộc Nam Định ngày nay là đất phát tích khởi nghiệp của nhà Trần (…), vùng đất ấy là một trong những cái nôi khởi nguyên sáng tạo những giá trị lịch sử và văn hóa văn minh làm rạng danh non sông đất nước”. Khu Di tích Văn hóa Trần Nam Định, với các hiện vật, chứng tích lịch sử, văn hóa phong phú, giàu bản sắc, gắn liền với một triều đại huy hoàng của dân tộc, được đề nghị Nhà nước xếp hạng Di sản cấp quốc gia đặc biệt.

Nam Định - Trung tâm phía nam đồng bằng sông Hồng

Đại Việt thời Trần có 12 phủ, phủ Thiên Trường có 4 huyện: Giao Thủy, Nam Chân, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, Tức Mặc - Thiên Trường là thủ phủ. Thời Lê, Nguyễn, phủ Thiên Trường thay đổi về quy mô, tên gọi, Sơn Nam, Sơn Nam Hạ; năm 1821, nhà Nguyễn đổi trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định; năm 1890 trấn Nam Định chia thành tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình. Sau thời Trần, Nam Định vẫn giữ vị trí trọng yếu trung tâm phía nam Bắc bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng. Thời Lê - Nguyễn, tập trung khẩn hoang, quai đê lấn biển mở rộng đồng bằng hạ lưu sông Hồng trù phú; cho xây dựng nhiều đền đài, chùa miếu, khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa làng - xã, bồi bổ hun đúc hạt nhân văn hóa dân tộc. Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn cho xây dựng thành Nam Định bằng đất, đến năm 1839 thành xây bằng gạch nung, từng bước hình thành phố, phường, khu dân cư, chợ búa. Khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp xác định: “Chiếm được Hà Nội và Nam Định là chiếm được Bắc Kỳ”. Tại Nam Định, Pháp xây dựng Nhà máy Dệt lớn nhất Đông Dương, cùng với nhà máy Rượu, nhà máy Chai. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề thành Nam Định mở mang, phát triển. Với vị trí kinh tế, văn hóa, địa lý, giao thông thủy bộ, vai trò trung tâm của thành Nam Định và tỉnh Nam Định ở phía nam Hà Nội và Đồng bằng Bắc bộ được hình thành, xác lập.

Bước vào kỷ nguyên thời đại Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, Nam Định là một trong những cái nôi của phong trào công nhân, phong trào cách mạng và tổ chức Cộng sản. Từ phong trào yêu nước và cách mạng ở Nam Định, đồng chí Trường Chinh đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng. Từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, trong các giai đoạn cách mạng dân tộc, dân chủ và xây dựng CNXH, Đảng bộ, quân dân Nam Định đã có đóng góp xứng đáng cùng cả nước vì cả nước. Đảng bộ, quân dân Nam Định và nhiều ngành, địa phương, cơ sở, cá nhân trong tỉnh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng lao động trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới; cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, trong đó có thành phố “Dệt anh hùng”.

25 năm đổi mới, mặc dù trong điều kiện sáp nhập, chia tách, tái lập địa giới hành chính cấp tỉnh, với nội lực và khả năng nội sinh của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; có thành phố công nghiệp dệt may và công nghiệp cơ khí phát triển; có vùng chuyên canh lúa màu rộng lớn và tiềm lực kinh tế biển; cùng với chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, Nam Định vững vàng, đi đầu trong nhiều phong trào, là tỉnh trọng điểm phía nam Đồng bằng Bắc bộ. Từ năm 1990 đến năm 2000, GDP toàn tỉnh tăng bình quân 7,1% năm; từ 2001 đến 2005 là 7,6%; từ 2006 đến 2010 là 10,2%; GDP bình quân đầu người tăng 2,6 lần. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (hiện chiếm gần 70% trong GDP). Đời sống nhân dân ổn định, đồng đều và không ngừng nâng cao, hộ giàu tăng nhanh, hộ nghèo hiện còn 6%. Thành phố Nam Định (thủ phủ Thiên Trường xưa) trung tâm của tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội vùng nam Đồng bằng sông Hồng. Tăng trưởng kinh tế thành phố từ năm 2008 đến 2011 đạt 14,32%; tăng trưởng công nghiệp 19,74%; tỷ trọng công nghiệp xây dựng trên 56%; dịch vụ trên 42%; thu nhập bình quân đầu người tương đương 1.900 USD (bình quân cả nước là 1.098 USD). Thành phố có các Khu Công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung; Cụm Công nghiệp An Xá, thu hút đầu tư 185 doanh nghiệp, với hơn 54.000 lao động. Siêu thị BigC Nam Định và Trung tâm Thương mại Micom Plaza, đạt quy mô trung tâm khu vực. Cùng với đô thị cổ, các khu đô thị mới Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung; các công trình Khu Di tích văn hóa Trần, bệnh viện 700 giường; các trường Đại học Điều dưỡng, Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp, Sư phạm Kỹ thuật, Lương Thế Vinh; cùng 5 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp nghề… đã và đang được tập trung xây dựng, mở rộng, đi vào hoạt động, làm cho Thành Nam ngày càng khang trang, sung sức, văn minh và gia tăng năng lực hội tụ. Từ Thành Nam, với tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 21, đường cao tốc Nam Định - Phủ Lý, cùng với hệ thống đường nội tỉnh mở rộng, nâng cấp tới từng thôn, xã; và hệ thống đường sông, đường biển, đường sắt… là lợi thế cho Nam Định giao lưu, chắp nối, hội nhập, phát triển đối với cả nước và khu vực.

Với hành trang truyền thống lịch sử, văn hóa, với các lợi thế đang được khai thông, Đảng bộ, nhân dân Nam Định đang chung sức, chung lòng, giải phóng nội lực, tranh thủ ngoại lực, xây tỉnh Nam Định và thành phố Nam Định phát triển trong công cuộc phát triển chung của khu vực và cả nước.

Trần Đại Quyết

Giáo sư Đặng Hữu: Với dân, không gì che giấu được

Lê Kiên thực hiện
Thứ sáu ngày 5 tháng 10 năm 2012 11:54 AM
Nói không với giả dối

TT - GS Đặng Hữu - nguyên trưởng Ban Khoa giáo trung ương, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường - khẳng định: "Giả dối trong khoa học chỉ là một phần rất nhỏ và nó là hệ quả của một xã hội mà giả dối đã thành nếp".
GS Đặng Hữu - Ảnh: Việt Dũng  
"Tôi rất buồn với cái cảnh vẫn thường thấy lâu nay là một người đi họp, dự hội nghị phải ký vào hai, ba, bốn tờ giấy để nhận tiền. Chuyện nhỏ như vậy mà không khắc phục được, để sự dối trá cứ phải diễn ra thì những chuyện khác làm sao mà khắc phục. "
GS Đặng Hữu

* Thưa ông, thực tế cho thấy nỗi nhức nhối trong giới khoa học là phải tìm cách hợp thức các hóa đơn, chứng từ để có đủ tiền nghiên cứu. Ông bình luận gì về thực trạng này?
- Phải nói rằng đang có rất nhiều vấn đề xuất phát từ cơ chế. Chẳng hạn trong cơ chế chi cho khoa học thì từ rất lâu Bộ Tài chính lúc nào cũng muốn làm chủ về tài chính, quản lý việc chi tiêu, nhưng Bộ Khoa học - công nghệ mới là nơi quản lý về nội dung, chịu trách nhiệm trước sự phát triển của khoa học công nghệ. Vì vậy mới nảy sinh chuyện không rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên.
Cách đây 15-20 năm đã có hiện tượng đưa ra các định mức, tiêu chuẩn trái khoáy, không thể nào làm được nhưng cơ chế tài chính vẫn buộc người ta làm như vậy. Khi đó có cảnh báo cho rằng cơ chế đó buộc các nhà khoa học thành những người nói dối. Nhà khoa học muốn làm cho được việc thì phải nói dối, phải hợp thức hóa để lấy tiền. Họp một buổi thì nói là hai, ba buổi.
Làm khoa học mà buộc người ta phải lên danh mục rất là cụ thể, chi tiết mức chi từ khi có ý tưởng, hậu quả là nó giới hạn triệt tiêu sự sáng tạo. Chẳng hạn tôi là nhà khoa học, lúc đầu ý tưởng của tôi là nghiên cứu công nghệ A, tôi phải lập dự án với các hạng mục chi để ra cái công nghệ A đó, nhưng trong thực tế nghiên cứu có thể tôi nghĩ ra cái A’ nữa, khổ là tôi chỉ có chừng ấy tiền và phải lựa chọn: hoặc là cứ nghiên cứu đến cái A thôi, hoặc là tìm cách nào đó để hợp thức hóa thêm số tiền để có thể ra kết quả tốt hơn.
Tôi lấy thêm ví dụ nữa, từ cơ chế thiếu công khai, dân chủ, thiếu quy định về phản biện khoa học cũng nảy sinh sự dối trá. Ví dụ khi làm một dự án, công trình thì người chủ đầu tư dự án, công trình đó (là những người có quyền lực và là người chi tiền) họ lập ra hội đồng khoa học để thẩm định, phản biện. Thường thì người ta chỉ chọn những nhà khoa học phát biểu có lợi cho họ. Công trình, dự án nào cũng nói là đã có góp ý, có phản biện, nhưng chỉ lấy những ý kiến thuận, những ý kiến trái chiều thì bị loại bỏ. Hậu quả là nhiều công trình, dự án thất thoát, hư hỏng mà không ai chịu trách nhiệm.
* Thưa ông, việc sửa đổi cơ chế để không buộc người ta phải dối trá cũng như khiến người ta không thể dối trá có dễ không?
- Tôi khẳng định việc sửa đổi không có gì khó, chỉ có điều chịu làm hay không mà thôi. Chẳng hạn, chuyện một người đi họp ký mấy tờ giấy để nhận tiền tôi dám chắc nó vẫn diễn ra trước mắt các đời bộ trưởng Bộ Tài chính, tại sao không sửa? Trong khoa học cũng vậy, hiện nay đang quản lý đầu vào, không quản lý đầu ra, người giỏi chạy dự án thì có tiền, nhưng kết quả dự án thế nào thì thiếu sự đánh giá.
Khi còn là thành viên Chính phủ, tôi đã nhiều lần khẳng định rằng trong lý thuyết chúng ta luôn khẳng định phải lấy hiệu quả làm đầu. Nhưng tôi chỉ nghe thấy báo cáo tổng kết là đã chi tiêu từng này, còn cái việc chi tiêu đó hiệu quả ra sao, đem lại tăng trưởng GDP bao nhiêu, tăng năng suất bao nhiêu thì rất hiếm thấy đánh giá. Công tác cán bộ cũng vậy, chỉ thấy dựa vào bằng cấp, tuổi tác, chưa thấy lấy hiệu quả làm đầu.
Để chấm dứt tình trạng dối trá thì cần phải lấy trách nhiệm và hiệu quả làm thước đo của mọi công việc.
* Ông nói dối trá trong hoạt động khoa học chỉ là phần nhỏ, muốn sửa thì phải bắt đầu từ những chuyện lớn hơn, xin ông phân tích rõ điều này?
- Tôi muốn nói đến sự kỳ vọng của người dân vào việc thực hiện nghị quyết trung ương 4. Tôi rất tâm đắc với các ý kiến đề nghị phải quay trở lại giá trị Đại hội VI, để nhìn rõ khuyết điểm, sai lầm do chủ quan gây ra. Từ đó làm rõ nguyên nhân, hậu quả, cách khắc phục những cơ chế không phù hợp, tình trạng thiếu dân chủ, không lắng nghe ý kiến của dân, không nhìn thẳng vào sự thật, không nhìn thấy thực tế, rồi áp đặt tư duy, ý chí của mình cho người khác. Đây mới chính là căn nguyên tạo ra sự dối trá.
Bài học Đại hội VI là khẳng định sự thật khách quan, lấy dân làm gốc, xây dựng Đảng ngang tầm với thời đại, là đạo đức, là văn minh, xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tôi cho rằng trong những năm gần đây, công tác xây dựng Đảng chưa đạt kết quả như mong muốn. Trước tình hình khó khăn lại nảy sinh tư duy đối phó. Lẽ ra phải đưa những sự thật ấy ra để phân tích, phê phán, rút kinh nghiệm, tìm ra giải pháp khắc phục thì lại che giấu đi. Nhưng với người dân thì không có gì có thể che giấu được.
Có nhiều việc chính các cơ quan nhà nước nói không đúng, làm dân mất tin. Quản lý lỏng lẻo để xảy ra tình trạng thất thoát lớn, nhiều vụ án nghiêm trọng được phát hiện, nhưng trách nhiệm quản lý thì không rõ.
Kỳ này trung ương kiểm điểm phải làm cho ra khuyết điểm ở đâu, ai phải chịu trách nhiệm những gì. Đặc biệt phải tìm ra trong hệ thống quản lý của mình tại sao lại để tình trạng bất cập, yếu kém xảy ra mãi. Phải coi đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, chống dối trá là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời với mở rộng dân chủ, trao quyền cho dân để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, có dân là có tất cả. Đảng, Nhà nước phải sử dụng báo chí làm vũ khí đắc lực cho cuộc đấu tranh này.
LÊ KIÊN thực hiện