Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

Xã hội còn cần nhiều hơn thế nữa những phản biện của báo chí.


Một người nào đó đã đặt vấn đề như vậy trong lúcxã hội đang xôn xao vụ Vedan. Nhưng với những nguyên tắc thành văn và bất thành văn về quản lý báo chí như đã và đang làm đã làm triệt tiêu động lực nhạy cảm của báo chí. Hiện nay họ đang như những con chim sợ trúng đạn nên cứ co rúm lại và tìm những vụ việc vặt vãnh để nâng lên thành sự kiện làm thời sự cho tờ báo của mình.
Báo chí phải đi đến tận cùng cái ác, cái xấu, cái tiêu cực trong những mảng sáng, tối lẫn lộn của một nền kinh tế từ bao cấp chuyển sang thị trường và đang hội nhập với kinh tế quốc tế. Báo chí phát hiện cái tốt, cái mới, cái hay để xã hội phấn khích, học tập nhưng vai trò giám sát và phản ánh thực trạng xã hội, phản biện những vấn đề uẩn khúc, những điều chưa suôn sẻ...cũng là một nhiệm vụ quan trọng cần được cân bằng trong thông tin.
Nếu như nói niềm tin của người dân dựa trên sự minh bạch thì báo chí chính là kênh để nhà cầm quyền đưa ra những thông điệp, những chủ trương chính sách thể hiện sự minh bạch của Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Vedan là một sự thức tỉnh của công tác quản lý với cái tâm và cái tầm của các nhà lãnh đạo từ trung ương xuống địa phương.Phê phán, lên án Vedan trong lúc này là một việc quá dễ dàng vì họ đã như một tên trộm bị bắt trói gô lại giữa bàn dân thiên hạ, ai đi qua cũng có thể xỉa xói, đạp vào người từ đầu tới chân mà họ không thể chống đỡ!
Nhưng đâu phải chỉ có một mình Vedan gây nên tội nếu như cả một hệ thống chính sách pháp luật và những người quản lý cụ thể không buông lơi nhiệm vụ? Họ ở sờ sờ ngay trên đất nước VN, họ vẫn vận hành máy móc và sản xuất như vậy hơn chục năm qua; người dân đã kêu, nước đã chuyển màu và bốc mùi, quan chức cũng biết...Vậy đâu phải chỉ mình Vedan có lỗi?
Và từ đây nhìn lại tất cả những KCN trên khắp cả nước; những quy họach không gian luôn theo sau sự phát triển. các nhà máy mọc lên họat động cả thời gian dài thì KCN mới được phê duyệt thành lập; vài chục nhà máy đi vào họat động mới bắt đầu tính tới chuyện xây dựng nhà máy xử lý nước thải! (Trước đây có quy định lấp đầy 70% diện tích mới phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải!). Vì vậy đâu đâu cũng bốc mùi, đâu đâu có KCN là nơi đó giếng của dân bị váng đen không xài được! Lỗi này đâu phải do nhà đầu tư tạo nên?
Giờ đây là vấn nạn của nông nghiệp - nông dân - nông thôn với biết bao vấn đề đang đặt ra cho khu vực chiếm 70% dân số của đất nước. Từng quyết định của cấp lãnh đạo đều có thể ảnh hưởng tốt hay xấu đến ngay khu vực tam nông. Sân golf nên phát triển nữa hay thôi? Các nhà máy có nên cho gần sông? Có nên bứng dân cả một xã vùng lúa (như dự án Long Hưng - Long Thành -Đồng Nai) cho một dự án phát triển khu đô thị nghỉ dưỡng mới của nhà đầu tư?
ODA và những PMU là cả một sự lãng phí tiêu cực lớn mà ở đó chỉ những người có chức quyền mới có cơ hội. Nếu số vốn vay làm được 10km đường nhưng sự ăn chận, ăn cắp đã làm cho người dân chỉ được hưởng khỏang 5-6km đường nhưng nợ thì vẫn còng lưng trả đủ lãi mẹ và lãi con, đời này trả không hết thì đời sau trả!
Một xã hội chỉ mạnh lên khi thông tin làm đúng chức năng của nó. Và điều đó cũng chính là tạo dựng lòng tin, thúc đẩy trăm họ cùng hướng về tổ quốc. Ai sẽ giúp cho báo chí lấy lại phong độ, giúp họ có đủ bản lĩnh để thực hiện nhiệm vụ cao cả mà xã hội giao phó. Bởi khi báo chí có đủ mạnh, họ mới có khả năng không chỉ phản biện những vấn đề trong nước mà còn đủ khôn ngoan và bản lĩnh để phản biện những vấn đề quốc tế trong thời hội nhập.