Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Nhà thiết kế Minh Hạnh

Cuộc tìm kiếm và định vị "bản sắc Việt"

(Bài đăng trên PHáp Luật Chủ Nhật,  ra ngày 28/9/2012)

Cập nhật 30/09/2012 08:35 (GMT+7)

.
1       Nhà thiết kế (NTK)  Minh Hạnh và nhóm cộng sự, trong đó có  bốn người mẫu VN như Hoa hậu Ngọc Hân, quán quân VN Next Top Model 2010 Huyền Trang, cùng Phạm Trang và Phương Liên (đến từ New Talent) vừa trở về sau Lễ hội quốc tế về dệt may đặc biệt (FITE) được tổ chức tại Pháp từ ngày 12-16/9/2012.
 
 
Lễ hội được UNESCO tài trợ và Bộ Văn hóa Truyền thông nước Cộng hòa Pháp chứng nhận “Triển lãm vì lợi ích quốc gia”. Đây chẳng phải là lần đầu tiên Minh Hạnh đem thời trang của xứ mình – nơi chưa thật sự có nền thời trang mang tính chuyên nghiệp từ thiết kế đến trình diễn – đến những nơi được coi là kinh đô thời trang thế giới.  
Mẫu thiết kế của Minh Hạnh trình diễn tại kinh đô thời trang
Mẫu thiết kế của Minh Hạnh trình diễn tại kinh đô thời trang
Tuy nhiên, lễ hội FITE lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp lần này thật đặc biệt. Nhiều nghệ nhân trong ngành dệt may thế giới đã mang đến triển lãm giới thiệu sản phẩm có một không hai trên thế thế giới với chất liệu, sắc màu dân dã nhưng không phải dễ tìm kiếm, tận dụng trong một thế giới đang biến đổi khôn lường về khí hậu, môi trường.
 
Những sản phẩm quý hiếm này đã tạo ấn tượng mạnh mẽ về một lĩnh vực luôn theo sát tiến trình phát triển của xã hội, liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại và mở rộng con đường đi đến tương lai , nhắc nhở cộng đồng về ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường để giữ  được sự tinh khôi, trong lành của không gian mà thế giới đang sống một cách bền vững hơn.
 
2       Cuộc xuất ngoại lần này của Minh Hạnh cũng khá đặc biệt. Ban tổ chức tìm thông tin về chị qua internet và mời đích danh. Vẫn biết là cuộc chơi này dành cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân với thời đại nhưng Minh Hạnh cũng nghĩ rằng mình là người VN duy nhất có mặt tại Lễ hội này nên  bộ sưu tập cũng phải nói lên điều đó.
 
Ba tháng miệt mài,  Minh Hạnh đã  đem đến Lễ hội  50 mẫu thiết kế đặc biệt bằng loại vải dệt tay của người H’Mông ở vùng Tây Bắc , Hà Giang và đồng bào thiểu số Tây nguyên, kết hợp với kỹ thuật thêu tay truyền thống tinh xảo và với sự tinh tế, sáng tạo bền bỉ của người luôn biết tìm cái mới trong những chất liệu tưởng như quen thuộc, Minh Hạnh tự tin góp phần tích cực vào thông điệp chung của Lễ hội là duy trì và bảo vệ những vốn quý truyền thống của ngành dệt may cho thế hệ mai sau một cách bền vững.
 
Với Hạnh, mỗi cuộc ra ngoài là một lần tiếp cận thực tế cái mới và đem cái mới của mình ra trình với thiên hạ  để mọi người có thể nhìn rõ hơn, cảm nhận sâu hơn về thời trang Việt và con người Việt thông qua những sắc màu, chất liệu dân dã, tự nhiên. Sở trường và sự sắc sảo của Minh Hạnh là biết tìm ra những điểm tương đồng Đông-Tây ẩn chứa trong các chất liệu vải sợi, hoa văn của đồng bào vùng cao, từ Tây Bắc xuống Tây nguyên để làm nó nổi bật lên với bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề trong từng đường kim mũi chỉ.
 
 
3          Có thể nói,  con đường đi vào nghề thiết kế thời trang của Minh Hạnh cũng ngẫu nhiên như một sự đẩy đưa của số phận. Những năm sau giải phóng, gia đình Hạnh từ Đà Nẵng chuyển vào TPHCM với cái nghề kiếm sống lúc bấy giờ là may đồ gia công cho Hợp tác xã . Vừa đi học, vừa may gia công, rồi chị cũng vào được trường Mỹ thuật Gia Định. Sau đó ra trường Minh Hạnh làm công việc của một họa sĩ vẽ tranh cổ động tại Duyên Hải ( Cần Giờ), rồi làm họa sĩ cho các báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động (lúc bấy giờ còn là tên Công nhân) và Phụ nữ TPHCM. Chị đã là người đầu tiên thực hiện trang thời trang trên báo Phụ nữ TPHCM với thiết kế của mình  và người mẫu là chị em phóng viên trong cơ quan.  
Người mẫu nước ngoài trong thiết kế của thời trang Việt
Người mẫu nước ngoài trong thiết kế của thời trang Việt
Duyên nghiệp với ngành thiết kế thời trang có lẽ thật sự đến vào năm 1992 chị được mời về phụ trách Trung tâm thời trang Legafashion của Legamex (đây cũng là Trung tâm thời trang đầu tiên của VN),  Minh Hạnh chính thức bước vào nghề thiết kế thời trang một cách chuyên nghiệp. Và sau đó được mời về làm ở Viện mẫu thời trang VN (FADIN) của Ngành dệt may VN thì Minh Hạnh cũng như ngành thiết kế thời trang VN bắt đầu được chú ý đến và khởi sắc bằng các cuộc trình diễn thời trang dành cho những người yêu thích thời trang.
 
Nếu đưa Minh Hạnh vào nhóm những NTK của thế hệ thứ nhất thì chính tại đây chị đã xây dựng một đội ngũ các nhà thiết kế thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba qua cuộc thi Vietnam Collection Granprix và những hoạt động thời trang chuyên sâu như Vietnam Fashion Week hàng năm.
 
 Hơn 20 năm được làm công việc yêu thích, được tung tẩy trên xa lộ thời trang mà bản thân mình cũng phải vừa làm vừa học. Học từ người H’Mông trên vùng  Tây Bắc đến đồng bào dân tộc sống ở cao nguyên Trung phần, và cả những thợ làm vải Mạc nưa ở vùng sông nước miền Tây; những thợ may, thợ thêu  ở miền Trung, miền Đông. Học từ những bạn bè, những nhà thiết kế chuyên nghiệp ở nước ngoài. Cần mẫn như ong thợ để rồi góp phần đem lại nguồn mật ngọt cho ngành thiết kế thời trang còn non trẻ như VN. Một lớp đàn em kế thừa cũng đã có những bộ sưu tập, những “show” trình diễn không chỉ ở trong nước mà còn ra nước ngoài.
 
4. Nghề thiết kế thời trang chộn rộn những sắc màu kết hợp với sự tinh tế, khéo léo, sáng tạo, cảm nhận của mỗi nhà thiết kế. Nhưng xem ra nghề nào càng hào nhoáng thì cũng đầy thử thách khắc nghiệt. Vì vậy dù đã có  hàng chục  cuộc trình diễn bộ sưu tập của mình một cách ấn tượng như tại các Festival, triển lãm, lễ hội từ trong nước ra nước ngoài, từ Đông qua Tây, từ thiết kế đồng phục cho tiếp viên hàng không Vietnam Airlines cho đến  đồng phục VN cho nguyên thủ các nước thành viên ASEM, APEC họp tại VN (năm 2006) …, Minh Hạnh vẫn thấy rằng Việt Nam chưa có ngành công nghiệp thời trang mặc dù công nghiệp may (gia công) phát triển với tốc độ rất nhanh. Chị cho rằng để có thể chuyên nghiệp đòi hỏi phải có một tầm nhìn, chính sách đủ để khuyến khích,  tập hợp, đào tạo đúng mức nhân lực cho ngành  thời trang.
 
Năm 2013 lễ hội về ngành dệt may thế giới sẽ  được tổ chức tại VN. Ngay từ bây giờ, ý tưởng và sự khởi động chuẩn bị cho bộ sưu tập mới đã bắt đầu hình thành. NTK Minh Hạnh vẫn nghiêng về sở trường là tìm kiếm những nét riêng trong bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc với sự tương đồng văn hóa cổ điển, của sự nền nã Đông – Tây kết hợp.
 
Theo chị, lễ hội dệt may 2013   là dịp để VN nhìn rõ hơn về vị thế của Viet Nam trong thế giới thời trang với đa sắc màu, sự gắn kết giữa quá khứ-hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại giữa Đông và Tây…Và quan trọng là một chiến lược phát triển đúng đắn  thì sẽ có đội ngũ cho ngành Thời trang hôm nay và trong tương lai không xa.
 
Kim Loan
.

.

750 năm Thiên Trường-Nam Định

VTV1 ĐANG TRỰC TIẾP TRUYỀN HÌNH VỀ LỄ HỘI Ở NAM ĐỊNH, PTT NGUYỄN THIỆN NHÂN ĐANG ĐỌC DIỄN VĂN, THÔI THÌ POST BÀI VIẾT NÀY Ở HANOIMOI.COM CHO NHANH. ĐỌC ĐỂ HIỂU VỀ VÙNG ĐẤT PHÁT TÍCH NHÀ TRẦN...

750 năm Thiên Trường-Nam Định
Hoạt động kỷ niệm | Nam Định- các thời kỳ lịch sử | Nam Định- đổi mới và phát triển
Thiên Trường xưa - Nam Định nay
7:22' 4/10/2012
(hanoimoi.com.vn)

Thời thịnh Trần, Tức M

ặc - Thiên Trường có vị trí như kinh đô thứ hai. Sau kỷ nguyên nhà Trần, Thiên Trường - Nam Định vẫn có vị trí như trung tâm phía nam đồng bằng sông Hồng. Nhân ngày Giỗ Đức Thánh Trần năm nay, 20 tháng 8 Nhâm Thìn (5-10-2012), tỉnh Nam Định tổ chức Lễ Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Hành cung Tức Mặc - Thiên Trường thời Trần
Đại Việt sử ký toàn thư, chép: “Tổ tiên nhà Trần là Trần Kinh đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường”. Hương Tức Mặc xưa, nay thuộc xã Lộc Vượng, thành phố Nam Định.


Thành phố Nam Định hôm nay.
Năm 1225, nhà Trần nối tiếp nhà Lý, thu phục hiền tài, chấn hưng Đại Việt. Năm 1239, vua Trần Thái Tông cho xây dựng hành cung Tức Mặc. Năm 1262, hương Tức Mặc được nâng cấp thành Phủ Thiên Trường, là đơn vị hành chính đặc biệt, có vị trí như kinh đô thứ hai. Nơi đây có Cung Trùng Quang để Thượng hoàng về ngự sau khi truyền ngôi; lại có Cung Trùng Hoa để vua nối ngôi về chầu, yết kiến quốc sự. Phan Huy Chú, trong Lịch triều hiến chương loại chí, viết: “Các vua Trần sau khi nhường ngôi cho con đều về ở Thiên Trường, vua và các quan phải đến chầu theo định kỳ”. Nhà Trần thực hiện chế độ hai vua (Thái Thượng hoàng - Vua cha và Quan gia - Vua con). Theo nhà sử học Ngô Sỹ Liên: “Gia pháp Nhà Trần, con đã lớn thì cho nối ngôi chính, cha lui ở cung Thái từ, xưng là Thượng hoàng trông coi chính sự”. Thời Trần, nhiều quyết sách “sâu rễ bền gốc” của đất nước được khởi thảo, quyết định tại hành cung Thiên Trường. Tức Mặc - Thiên Trường còn có vị thế xung yếu về quân sự quốc phòng; là hậu phương vững chắc của kinh thành Thăng Long; nơi đây có hệ thống sông ngòi liên hoàn lợi hại về thủy binh, cả công và thủ. Từ Tức Mặc, theo sông Vĩnh Giang ra sông Hồng, ngược lên kinh thành Thăng Long, hoặc xuôi ra Biển Đông, tỏa đi các hướng. Trong 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỷ 13, các vua Trần, triều đình và tôn thất đều lui về Thiên Trường, tích lũy lương thảo, chỉnh đốn lực lượng, hoạch định kế sách tổng phản công chiến lược đánh tan giặc Nguyên Mông, đế chế phong kiến mạnh nhất thế giới đương thời.

Triều Trần trải qua 175 năm (1225-1400) và hậu Trần 7 năm (1407-1414) với 14 đời vua. Thời thịnh trị, với hào khí Đông A, nhà Trần đã xây dựng Đại Việt thành quốc gia hùng mạnh “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức”. Đại Việt kỷ nguyên nhà Trần thế kỷ XIII có nền văn trị rực rỡ, pháp quyền công minh, đời sống nhân dân no ấm. Vương triều Trần đã sản sinh ra nhiều vị vua anh minh và anh hùng, như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; cùng nhiều nhân tài trác việt, công danh lừng lẫy cả về võ công, văn trị và lòng trung quân ái quốc, như Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản…

Là đơn vị hành chính đặc biệt, Thiên Trường không chỉ là một trung tâm chính trị, nơi đây còn là trung tâm khởi phát nhiều giá trị văn hóa tư tưởng, tôn giáo, phong tục tập quán mang đậm bản sắc Đại Việt - Đông A. Giáo phái Trúc Lâm (Yên Tử) do Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, đã đưa Phật thời nhập thế, gắn đạo với đời, đồng hành cùng dân tộc. Tại đây hiện còn công trình Phật Giáo Chùa Phổ Minh và Tháp Phổ Minh 14 tầng được xây dựng thời nhà Lý phồn thịnh, đầu triều Trần nâng cấp, mở rộng. Để chấn hưng đất nước, cùng với Thăng Long, tại Tức Mặc - Thiên Trường, vua Trần cho lập Nhà học chăm lo việc đào tạo, tuyển chọn hiền tài, không phân biệt sang hèn, tuổi tác. Khoa thi năm Đinh Mùi (1247), Nguyễn Hiền, người huyện Thượng Nguyên, sau thuộc phủ Thiên Trường, đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi. Thời thi Nho học, từ Trường Thi Thiên Trường, đã có 82 vị đỗ Trạng nguyên, Tiến sỹ, Phó bảng, và hàng ngàn Cử nhân, Tú tài, bổ sung vào bộ máy triều chính, giúp dân, giúp nước, trong đó có Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Tam nguyên Trần Bích San, Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị… Hồ Chủ tịch trong Lịch sử diễn ca đã viết: “Thời Trần, văn giỏi, võ nhiều. Người dân thịnh vượng, trong triều hiển vinh”.

Văn bia Nam Trạch miếu bút ký, ghi: “Tiên miếu thờ Tổ tiên họ Trần Việt Nam được xây dựng vào năm 1239 ở hương Tức Mặc”. Thế kỷ XV, Trần miếu và nhiều công trình kiến trúc ở hành cung Thiên Trường bị giặc Minh tàn phá. Đền Trần Thiên Trường được trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Chính Lễ Khai ấn đền Trần hằng năm được cử hành tại Đền Trần Nam Định, nơi thờ tự bài vị Thủy Tổ họ Trần Việt Nam và các vua Trần. Từ năm 1985 đến 2005 đã có 5 cuộc hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế về quê hương nhà Trần Việt Nam, được tiếp cận từ cứ liệu sử học, khảo cổ học, văn học, bảo tàng học, địa lý học… Theo Giáo sư Viện sỹ Nguyễn Duy Quý: “Phủ Thiên Trường thuộc Nam Định ngày nay là đất phát tích khởi nghiệp của nhà Trần (…), vùng đất ấy là một trong những cái nôi khởi nguyên sáng tạo những giá trị lịch sử và văn hóa văn minh làm rạng danh non sông đất nước”. Khu Di tích Văn hóa Trần Nam Định, với các hiện vật, chứng tích lịch sử, văn hóa phong phú, giàu bản sắc, gắn liền với một triều đại huy hoàng của dân tộc, được đề nghị Nhà nước xếp hạng Di sản cấp quốc gia đặc biệt.

Nam Định - Trung tâm phía nam đồng bằng sông Hồng

Đại Việt thời Trần có 12 phủ, phủ Thiên Trường có 4 huyện: Giao Thủy, Nam Chân, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, Tức Mặc - Thiên Trường là thủ phủ. Thời Lê, Nguyễn, phủ Thiên Trường thay đổi về quy mô, tên gọi, Sơn Nam, Sơn Nam Hạ; năm 1821, nhà Nguyễn đổi trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định; năm 1890 trấn Nam Định chia thành tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình. Sau thời Trần, Nam Định vẫn giữ vị trí trọng yếu trung tâm phía nam Bắc bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng. Thời Lê - Nguyễn, tập trung khẩn hoang, quai đê lấn biển mở rộng đồng bằng hạ lưu sông Hồng trù phú; cho xây dựng nhiều đền đài, chùa miếu, khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa làng - xã, bồi bổ hun đúc hạt nhân văn hóa dân tộc. Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn cho xây dựng thành Nam Định bằng đất, đến năm 1839 thành xây bằng gạch nung, từng bước hình thành phố, phường, khu dân cư, chợ búa. Khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp xác định: “Chiếm được Hà Nội và Nam Định là chiếm được Bắc Kỳ”. Tại Nam Định, Pháp xây dựng Nhà máy Dệt lớn nhất Đông Dương, cùng với nhà máy Rượu, nhà máy Chai. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề thành Nam Định mở mang, phát triển. Với vị trí kinh tế, văn hóa, địa lý, giao thông thủy bộ, vai trò trung tâm của thành Nam Định và tỉnh Nam Định ở phía nam Hà Nội và Đồng bằng Bắc bộ được hình thành, xác lập.

Bước vào kỷ nguyên thời đại Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, Nam Định là một trong những cái nôi của phong trào công nhân, phong trào cách mạng và tổ chức Cộng sản. Từ phong trào yêu nước và cách mạng ở Nam Định, đồng chí Trường Chinh đã trở thành Tổng Bí thư của Đảng. Từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, trong các giai đoạn cách mạng dân tộc, dân chủ và xây dựng CNXH, Đảng bộ, quân dân Nam Định đã có đóng góp xứng đáng cùng cả nước vì cả nước. Đảng bộ, quân dân Nam Định và nhiều ngành, địa phương, cơ sở, cá nhân trong tỉnh được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng lao động trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới; cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, trong đó có thành phố “Dệt anh hùng”.

25 năm đổi mới, mặc dù trong điều kiện sáp nhập, chia tách, tái lập địa giới hành chính cấp tỉnh, với nội lực và khả năng nội sinh của mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; có thành phố công nghiệp dệt may và công nghiệp cơ khí phát triển; có vùng chuyên canh lúa màu rộng lớn và tiềm lực kinh tế biển; cùng với chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, Nam Định vững vàng, đi đầu trong nhiều phong trào, là tỉnh trọng điểm phía nam Đồng bằng Bắc bộ. Từ năm 1990 đến năm 2000, GDP toàn tỉnh tăng bình quân 7,1% năm; từ 2001 đến 2005 là 7,6%; từ 2006 đến 2010 là 10,2%; GDP bình quân đầu người tăng 2,6 lần. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (hiện chiếm gần 70% trong GDP). Đời sống nhân dân ổn định, đồng đều và không ngừng nâng cao, hộ giàu tăng nhanh, hộ nghèo hiện còn 6%. Thành phố Nam Định (thủ phủ Thiên Trường xưa) trung tâm của tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội vùng nam Đồng bằng sông Hồng. Tăng trưởng kinh tế thành phố từ năm 2008 đến 2011 đạt 14,32%; tăng trưởng công nghiệp 19,74%; tỷ trọng công nghiệp xây dựng trên 56%; dịch vụ trên 42%; thu nhập bình quân đầu người tương đương 1.900 USD (bình quân cả nước là 1.098 USD). Thành phố có các Khu Công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung; Cụm Công nghiệp An Xá, thu hút đầu tư 185 doanh nghiệp, với hơn 54.000 lao động. Siêu thị BigC Nam Định và Trung tâm Thương mại Micom Plaza, đạt quy mô trung tâm khu vực. Cùng với đô thị cổ, các khu đô thị mới Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung; các công trình Khu Di tích văn hóa Trần, bệnh viện 700 giường; các trường Đại học Điều dưỡng, Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp, Sư phạm Kỹ thuật, Lương Thế Vinh; cùng 5 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp nghề… đã và đang được tập trung xây dựng, mở rộng, đi vào hoạt động, làm cho Thành Nam ngày càng khang trang, sung sức, văn minh và gia tăng năng lực hội tụ. Từ Thành Nam, với tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 21, đường cao tốc Nam Định - Phủ Lý, cùng với hệ thống đường nội tỉnh mở rộng, nâng cấp tới từng thôn, xã; và hệ thống đường sông, đường biển, đường sắt… là lợi thế cho Nam Định giao lưu, chắp nối, hội nhập, phát triển đối với cả nước và khu vực.

Với hành trang truyền thống lịch sử, văn hóa, với các lợi thế đang được khai thông, Đảng bộ, nhân dân Nam Định đang chung sức, chung lòng, giải phóng nội lực, tranh thủ ngoại lực, xây tỉnh Nam Định và thành phố Nam Định phát triển trong công cuộc phát triển chung của khu vực và cả nước.

Trần Đại Quyết

Giáo sư Đặng Hữu: Với dân, không gì che giấu được

Lê Kiên thực hiện
Thứ sáu ngày 5 tháng 10 năm 2012 11:54 AM
Nói không với giả dối

TT - GS Đặng Hữu - nguyên trưởng Ban Khoa giáo trung ương, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ và môi trường - khẳng định: "Giả dối trong khoa học chỉ là một phần rất nhỏ và nó là hệ quả của một xã hội mà giả dối đã thành nếp".
GS Đặng Hữu - Ảnh: Việt Dũng  
"Tôi rất buồn với cái cảnh vẫn thường thấy lâu nay là một người đi họp, dự hội nghị phải ký vào hai, ba, bốn tờ giấy để nhận tiền. Chuyện nhỏ như vậy mà không khắc phục được, để sự dối trá cứ phải diễn ra thì những chuyện khác làm sao mà khắc phục. "
GS Đặng Hữu

* Thưa ông, thực tế cho thấy nỗi nhức nhối trong giới khoa học là phải tìm cách hợp thức các hóa đơn, chứng từ để có đủ tiền nghiên cứu. Ông bình luận gì về thực trạng này?
- Phải nói rằng đang có rất nhiều vấn đề xuất phát từ cơ chế. Chẳng hạn trong cơ chế chi cho khoa học thì từ rất lâu Bộ Tài chính lúc nào cũng muốn làm chủ về tài chính, quản lý việc chi tiêu, nhưng Bộ Khoa học - công nghệ mới là nơi quản lý về nội dung, chịu trách nhiệm trước sự phát triển của khoa học công nghệ. Vì vậy mới nảy sinh chuyện không rõ quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên.
Cách đây 15-20 năm đã có hiện tượng đưa ra các định mức, tiêu chuẩn trái khoáy, không thể nào làm được nhưng cơ chế tài chính vẫn buộc người ta làm như vậy. Khi đó có cảnh báo cho rằng cơ chế đó buộc các nhà khoa học thành những người nói dối. Nhà khoa học muốn làm cho được việc thì phải nói dối, phải hợp thức hóa để lấy tiền. Họp một buổi thì nói là hai, ba buổi.
Làm khoa học mà buộc người ta phải lên danh mục rất là cụ thể, chi tiết mức chi từ khi có ý tưởng, hậu quả là nó giới hạn triệt tiêu sự sáng tạo. Chẳng hạn tôi là nhà khoa học, lúc đầu ý tưởng của tôi là nghiên cứu công nghệ A, tôi phải lập dự án với các hạng mục chi để ra cái công nghệ A đó, nhưng trong thực tế nghiên cứu có thể tôi nghĩ ra cái A’ nữa, khổ là tôi chỉ có chừng ấy tiền và phải lựa chọn: hoặc là cứ nghiên cứu đến cái A thôi, hoặc là tìm cách nào đó để hợp thức hóa thêm số tiền để có thể ra kết quả tốt hơn.
Tôi lấy thêm ví dụ nữa, từ cơ chế thiếu công khai, dân chủ, thiếu quy định về phản biện khoa học cũng nảy sinh sự dối trá. Ví dụ khi làm một dự án, công trình thì người chủ đầu tư dự án, công trình đó (là những người có quyền lực và là người chi tiền) họ lập ra hội đồng khoa học để thẩm định, phản biện. Thường thì người ta chỉ chọn những nhà khoa học phát biểu có lợi cho họ. Công trình, dự án nào cũng nói là đã có góp ý, có phản biện, nhưng chỉ lấy những ý kiến thuận, những ý kiến trái chiều thì bị loại bỏ. Hậu quả là nhiều công trình, dự án thất thoát, hư hỏng mà không ai chịu trách nhiệm.
* Thưa ông, việc sửa đổi cơ chế để không buộc người ta phải dối trá cũng như khiến người ta không thể dối trá có dễ không?
- Tôi khẳng định việc sửa đổi không có gì khó, chỉ có điều chịu làm hay không mà thôi. Chẳng hạn, chuyện một người đi họp ký mấy tờ giấy để nhận tiền tôi dám chắc nó vẫn diễn ra trước mắt các đời bộ trưởng Bộ Tài chính, tại sao không sửa? Trong khoa học cũng vậy, hiện nay đang quản lý đầu vào, không quản lý đầu ra, người giỏi chạy dự án thì có tiền, nhưng kết quả dự án thế nào thì thiếu sự đánh giá.
Khi còn là thành viên Chính phủ, tôi đã nhiều lần khẳng định rằng trong lý thuyết chúng ta luôn khẳng định phải lấy hiệu quả làm đầu. Nhưng tôi chỉ nghe thấy báo cáo tổng kết là đã chi tiêu từng này, còn cái việc chi tiêu đó hiệu quả ra sao, đem lại tăng trưởng GDP bao nhiêu, tăng năng suất bao nhiêu thì rất hiếm thấy đánh giá. Công tác cán bộ cũng vậy, chỉ thấy dựa vào bằng cấp, tuổi tác, chưa thấy lấy hiệu quả làm đầu.
Để chấm dứt tình trạng dối trá thì cần phải lấy trách nhiệm và hiệu quả làm thước đo của mọi công việc.
* Ông nói dối trá trong hoạt động khoa học chỉ là phần nhỏ, muốn sửa thì phải bắt đầu từ những chuyện lớn hơn, xin ông phân tích rõ điều này?
- Tôi muốn nói đến sự kỳ vọng của người dân vào việc thực hiện nghị quyết trung ương 4. Tôi rất tâm đắc với các ý kiến đề nghị phải quay trở lại giá trị Đại hội VI, để nhìn rõ khuyết điểm, sai lầm do chủ quan gây ra. Từ đó làm rõ nguyên nhân, hậu quả, cách khắc phục những cơ chế không phù hợp, tình trạng thiếu dân chủ, không lắng nghe ý kiến của dân, không nhìn thẳng vào sự thật, không nhìn thấy thực tế, rồi áp đặt tư duy, ý chí của mình cho người khác. Đây mới chính là căn nguyên tạo ra sự dối trá.
Bài học Đại hội VI là khẳng định sự thật khách quan, lấy dân làm gốc, xây dựng Đảng ngang tầm với thời đại, là đạo đức, là văn minh, xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tôi cho rằng trong những năm gần đây, công tác xây dựng Đảng chưa đạt kết quả như mong muốn. Trước tình hình khó khăn lại nảy sinh tư duy đối phó. Lẽ ra phải đưa những sự thật ấy ra để phân tích, phê phán, rút kinh nghiệm, tìm ra giải pháp khắc phục thì lại che giấu đi. Nhưng với người dân thì không có gì có thể che giấu được.
Có nhiều việc chính các cơ quan nhà nước nói không đúng, làm dân mất tin. Quản lý lỏng lẻo để xảy ra tình trạng thất thoát lớn, nhiều vụ án nghiêm trọng được phát hiện, nhưng trách nhiệm quản lý thì không rõ.
Kỳ này trung ương kiểm điểm phải làm cho ra khuyết điểm ở đâu, ai phải chịu trách nhiệm những gì. Đặc biệt phải tìm ra trong hệ thống quản lý của mình tại sao lại để tình trạng bất cập, yếu kém xảy ra mãi. Phải coi đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, chống dối trá là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời với mở rộng dân chủ, trao quyền cho dân để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, có dân là có tất cả. Đảng, Nhà nước phải sử dụng báo chí làm vũ khí đắc lực cho cuộc đấu tranh này.
LÊ KIÊN thực hiện